Chấp nhận khắc khổ hơn, Hy Lạp đạt thỏa thuận cứu trợ

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/7/2015 | 7:47:22 AM

Ngày 13/7, Hy Lạp đạt được thỏa thuận với các chủ nợ châu Âu với những cam kết thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt hơn để tránh phải ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) và tránh nguy cơ gây hỗn loạn trên thị trường tài chính toàn cầu.

Người dân tuần hành ủng hộ chính phủ Hy Lạp
Người dân tuần hành ủng hộ chính phủ Hy Lạp

Dù Hy Lạp đã trải qua vài năm quay cuồng với các biện pháp khắc khổ và suy giảm kinh tế, các chủ nợ vẫn yêu cầu nước này tiếp tục cắt giảm chi tiêu nhằm đổi lấy khoản vay mới để cứu hệ thống tài chính khỏi sụp đổ. Thỏa thuận mới về gói cứu trợ thứ ba thực hiện trong 5 năm vẫn cần được Quốc hội Hy Lạp thông qua.

Để đạt được thỏa thuận với các chủ nợ, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras phải vượt qua những ngờ vực của nhiều đồng minh trong số 18 nước sử dụng đồng euro. Chỉ mới tuần trước, ông Tsipras còn kêu gọi người dân Hy Lạp bác bỏ nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng. “Chúng tôi đã có thể tránh những biện pháp cực đoan nhất. Hy Lạp sẽ chiến đấu để quay lại tăng trưởng và đòi lại chủ quyền đã mất”, Reuters dẫn lời ông Tsipras.

Cả Hy Lạp và các chủ nợ châu Âu đều thừa nhận trải qua những cuộc đấu khẩu gay gắt, khiến họ khó chịu với nhau suốt mấy tháng qua, nhưng cuối cùng vẫn chịu ngồi lại với nhau để đàm phán suốt chín giờ cho đến tận nửa đêm 12/7. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng, cùng với việc đạt được thỏa thuận, lòng tin cũng cần phải xây dựng lại.

“Hy Lạp có một cơ hội để quay lại con đường tăng trưởng”, bà Merkel nói, nhưng cho rằng “đó sẽ là con đường rất dài”. Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng,  đó là con đường đáng để cố gắng, và rằng Quốc hội Hy Lạp sẽ phải họp trong vòng vài giờ sau cuộc đàm phán. Ông Hollande cũng chúc mừng Hy Lạp tiếp tục là thành viên của eurozone. Tổng thống Pháp cho rằng, nếu eurozone mất Hy Lạp thì sẽ giống như “nền văn minh của chúng ta mất trái tim”.

Thỏa thuận đạt được sau cuộc thương lượng giữa ông Tsipras, ông Hollande, bà Merkel và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, trong bối cảnh Thủ tướng Hy Lạp phải chịu sức ép lớn để “nuốt” những biện pháp khắc khổ khó nhằn.

“Chúng tôi đã nhận trách nhiệm về quyết định để có thể ngăn chặn kết quả khắc nghiệt nhất. Chúng tôi đã bác bỏ yêu cầu phải chuyển nhượng các tài sản của Hy Lạp ở nước ngoài, để ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng”, ông Tsipras nói. Thỏa thuận cũng bao gồm cam kết của ông Tsipras sẽ triển khai chính sách tăng cường tiết kiệm, bao gồm cắt giảm lương hưu, cải cách thị trường và tư nhân hóa càng sớm càng tốt. Đổi lại, các lãnh đạo eurozone cam kết sớm khởi động đối thoại về một chương trình cứu trợ mới. Họ ước tính, Hy Lạp sẽ cần khoảng 85 tỷ euro.

Trước đó, Hy Lạp đã nhận hai gói cứu trợ với tổng trị giá 240 tỷ euro. Dù thâm hụt ngân sách hằng năm của Hy Lạp đã giảm đáng kể, gánh nặng nợ của nước này vẫn tăng vì nền kinh tế đã giảm 1/4. Tổng nợ của Hy Lạp vào khoảng 320 tỷ euro, tương đương 180% tổng sản phẩm quốc nội hằng năm. Rất ít nhà kinh tế học cho rằng, khoản nợ này sẽ được thanh toán đầy đủ. Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng, khoản nợ của Hy Lạp sẽ cần phải được tái cơ cấu, Telegraph đưa tin.

Hy Lạp nhượng bộ châu Âu, nhận gói cứu trợ 96 tỉ USD

Hy Lạp đã chấp nhận nhượng bộ các yêu cầu cải cách kinh tế từ phía châu Âu, qua đó có cơ hội nhận được gói cứu trợ kinh tế thứ 3 trị giá 96 tỉ USD, theo CNN.

Sau 17 giờ đàm phán căng thẳng tại thủ đô Brussels (Bỉ), đến 9 giờ sáng 13.7, đại diện Hy Lạp, Thủ tướng Alexis Tsipras, đã chấp nhận các yêu cầu cải cách kinh tế từ phía châu Âu, qua đó có cơ hội nhận gói cứu trợ thứ 3 trị giá 96 tỉ USD.

Theo đó, Hy Lạp sẽ phải thực hiện những biện pháp thắt lưng buộc bụng mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần so với đề nghị ban đầu, trong đó bao gồm các chính sách cải cách về lương hưu, năng lượng, thị trường lao động và sản phẩm, đồng thời tạo thêm thuận lợi cho hoạt động của thành phần kinh tế tư nhân.

Mặt khác, 19 thành viên Eurozone tham gia Hội nghị cũng đã yêu cầu Hy Lạp đại tu hệ thống chính quyền và cơ sở pháp lý hiện hành.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu, đồng thời là người chủ trì đàm phán, ông Donald Tusk, tuyên bố: “Nhóm lãnh đạo Eurozone, về nguyên tắc, đã sẵn sàng bàn luận các điều khoản về gói cứu trợ kinh tế mới dành cho Hy Lạp”.
Hồi tuần trước, Hy Lạp từng quyết liệt từ chối cải cách kinh tế và nhận gói cứu trợ từ phía châu Âu, đồng nghĩa với việc rút khỏi khối Eurozone. Tuy nhiên, hệ quả tất yếu nếu điều đó xảy ra là chính phủ Hy Lạp sẽ không có đủ tiền trả nợ cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khiến các ngân hàng nước này buộc phải đóng cửa, làm cho hệ thống kinh tế gặp nguy cơ sụp đổ.
Đây là lần thứ 3 kể từ năm 2010 châu Âu chấp thuận các gói cứu trợ kinh tế dành cho Hy Lạp. Trước đây, Athens đã nhận tổng cộng 233 tỉ euro thông qua hình thức này.

Các quan chức tài chính châu Âu sẽ tiếp tục có cuộc họp nhằm bàn luận các điều khoản về gói cứu trợ kinh tế mới dành cho Hy Lạp, dự kiến kéo dài trong nhiều tuần.

 

                                                                           (Theo TPO-TNO)

Các tin khác

Tờ The Indian Express ngày 13/7 đưa tin Nga có kế hoạch mời Ấn Độ tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân do Moskva thiết kế tại các nước thứ ba.

Toàn cảnh vòng đàm phán về vấn đề hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 tại Vienna, Áo ngày 7/7.

Iran và nhóm P5+1 có thể nhanh chóng đạt được một thỏa thuận lịch sử nếu Tehran sẵn sàng có những bước đi cuối cùng.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon hoan nghênh các bên tại Libya đã đạt được thỏa thuận hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ.

Một loạt vụ tấn công khiến 60 người thiệt mạng tại Iraq và Afghanistan bị nghi ngờ do IS thực hiện.

Một loạt vụ tấn công tự sát xảy ra ngày 12/7 tại các thành phố của Iraq và Afghanistan khiến khoảng 60 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục