Người giữ hồn khèn Mông trên đỉnh Tà Chử

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/9/2023 | 10:47:47 AM

YênBái - Vang lên giữa không gian mùa thu lãng mạn của vùng cao là tiếng khèn Mông. dặt dìu, tha thiết, lúc trầm lúc bổng. Tiếng khèn đến từ lớp học của chàng trai Mông Hờ A Thào ở bản Tà Chử, xã Bản Công.

Việc truyền dạy khèn Mông của Hờ A Thào góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị cây khèn truyền thống của người Mông, giúp nhiều bạn trẻ hiểu về khèn, biết thổi khèn, nuôi dưỡng niềm đam mê và trở thành những
Việc truyền dạy khèn Mông của Hờ A Thào góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị cây khèn truyền thống của người Mông, giúp nhiều bạn trẻ hiểu về khèn, biết thổi khèn, nuôi dưỡng niềm đam mê và trở thành những "hạt nhân” nòng cốt tiếp tục truyền dạy khèn cho những thế hệ mai sau.

Sang thu, tiết trời ở vùng cao Trạm Tấu trở nên mát mẻ, dễ chịu và có chút se lạnh. Những tia nắng vàng mỏng manh nơi cuối chiều xiên qua những bông hoa cải trắng li ti trải dọc trên các triền đồi hoà cùng hương lúa nương lên đòng càng thơm ngát, thơ mộng. Trong không gian ấy, tôi bỗng nghe tiếng khèn Mông dìu dặt, tha thiết, lúc trầm lúc bổng vang cả nùi rừng. Không để tôi phải tò mò, Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu Giàng A Thào khẽ vỗ vai bảo: "Đó là tiếng khèn từ lớp học của anh Hờ A Thào đang ngày đêm mệt mài truyền đạt cho học sinh ở bản Tà Chử, xã Bản Công đó chú!”.

Đam mê từ tuổi ấu thơ

Sinh năm 1974, cầm tinh con hổ, thừa hưởng gen của bố, từ tuổi ấu thơ, Hờ A Thào đã mê mẩn với tiếng khèn Mông. Đến giờ, A Thào không nhớ nổi mình đã theo bố đi qua bao nhiêu bản làng của các huyện, tỉnh thuộc vùng cao Tây Bắc mà chỉ nhớ rằng mỗi khi giai điệu ấy vang lên trong người anh như có một "luồng điện” chạy qua.

"Lên 5-6 tuổi, bố đã truyền dạy cách thổi khèn cho tôi. Rồi theo bố tham gia nhiều lễ hội và cả đám ma cho người Mông. Theo thời gian, âm thanh, giai điệu của tiếng khèn cứ ăn sâu vào trong tâm trí. Đến 15 tuổi, tôi đã tự đi thổi khèn cho các đám ma hay các lễ hội ở nhiều thôn bản, không chỉ ở Trạm Tấu, Mù Cang Chải mà còn cả Sơn La, Lai Châu, Điện Biên”, anh Thào chia sẻ.

So với dân tộc thiểu số khác, trong văn hóa của người Mông chỉ có nam giới mới biểu diễn độc tấu khèn. Chính vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, không chỉ Hờ A Thào mà hầu hết các chàng trai người Mông đều mày mò học hoặc được người lớn tuổi trong gia đình, dòng họ hướng dẫn cách diễn tấu khèn. Nhưng để có tiếng khèn được đồng bào "ưng cái bụng” thì không phải "chàng trai rừng” nào cũng làm được.

- Học thổi khèn Mông có khó không? - Tôi hỏi

- Nếu chỉ biết thổi thôi thì không khó lắm nhưng để hiểu biết về khèn, thành thạo, làm chủ các nốt nhạc, nhất là hơi và thổi thành thạo ở nhiều thể loại thì rất khó -  A Thào trả lời.

- Vậy bí quyết nào để anh học nhanh và thổi thành thạo khèn Mông?

 Không suy nghĩ, A Thào trả lời: 

- Trước hết, phải có lòng đam mê, yêu khèn và quyết tâm theo đuổi nó.
Nhờ yêu và mê khèn Mông từ bé, giờ đây lúc buồn hay vui, chiếc khèn luôn theo sát bên mình. Đặc biệt, mỗi lúc tiếng khèn Mông của A Thào ngân lên, dù là người khó tính hay ít đam mê nghệ thuật cũng đều có sức dẫn dụ họ vào một thế giới, một không gian hoàn toàn khác lạ. Ở đó, họ được cảm nhận cái thanh âm bao la, hùng vĩ của núi rừng nhưng lại có nét chân thành, giản dị trong cuộc sống của con người bản địa vùng cao Trạm Tấu. Chính vì vậy, nhiều gia đình người Mông dù đời sống chưa khá giả cho lắm nhưng họ vẫn quyết tâm gửi con mình cho Hờ A Thào truyền dạy khèn Mông.

"Tiếp lửa" cho thế hệ trẻ 

Tôi thật ngạc nhiên, giờ đây trên đỉnh Tà Chử, Hờ A Thào không chỉ sáng tạo cho tiếng khèn của mình ngày càng hấp dẫn hơn mà còn mở lớp truyền dạy cho chính con em người đồng bào Mông trên địa bàn vùng cao Trạm Tấu. 

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu đến thăm và tặng quà cho lớp học khèn Mông do anh Hờ A Thào truyền dạy

Như Hờ A Thào đã nói, tiếng khèn Mông rất độc đáo, nhưng để sử dụng thành thạo không phải chàng trai Mông nào cũng làm được. Khèn Mông thường được biểu diễn ở các hình thức: khèn đơn, khèn đôi và khèn tập thể. Cái khó của việc biểu diễn khèn Mông là không chỉ thổi đơn thuần mà phải biết kết hợp múa với những động tác lắt léo, khó và mang tính nghệ thuật cao. Động tác múa khèn cũng rất phong phú và đa dạng như: múa nhảy đưa chân, quay tại chỗ, lăn nghiêng... Chính vì vậy, thể hệ trẻ hôm nay rất ít người học, nguy cơ mai một rất cao.

Mong muốn bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị cây khèn truyền thống của người Mông, giúp nhiều thanh thiếu nhi hiểu về khèn, biết thổi khèn và nuôi dưỡng niềm đam mê và trở thành những "hạt nhân” nòng cốt tiếp tục truyền dạy khèn cho những thế hệ mai sau là do đi đến quyết định mở lớp dạy khèn Mông của Hờ A Thào. 

Để mở được lớp, Hờ A Thào đã mất nhiều năm liền để biên soạn giáo án dạy khèn Mông bằng 2 thứ tiếng: tiếng Việt và tiếng Mông. 

Nghệ nhân ưu tú Giàng A Su - nguyên Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu thừa nhận: "Cá nhân tôi rất am hiểu khèn Mông, đã truyền dạy cho con cháu theo kiểu "cầm tay chỉ việc”; song để dạy một cách bài bản, có hệ thống, từ cơ bản đến chuyên nghiệp thì chỉ có Hờ A Thào và ở Việt Nam cũng rất ít người dạy khèn Mông giỏi như cậu ấy”.

3 tháng nghỉ hè vừa qua, em Giàng A Chua, 17 tuổi đến từ xã Pá Lau đã quyết tâm theo học lớp khèn Mông của Hờ A Thào. Là người trẻ yêu nhạc cụ dân tộc mình, A Chua đã dành mọi tâm huyết để theo học. "Ban đầu mới học em gặp khó khăn lắm, nhiều lúc muốn bỏ học, nhưng khi được thầy Thào hướng dẫn học thuộc các nốt nhạc, kỹ thuật lấy hơi, rồi mới đến luyện bài và học thổi khèn kết hợp múa nên giờ đây em đã làm chủ được khèn và biết thổi nhiều bài rồi”, A Chua tâm sự.

Cũng như A Chua, giờ đây Hờ A Thắng ở xã Xà Hồ sau khi tốt nghiệp lớp khèn Mông từ thầy Thào, Thắng đã tự tin thổi khèn kết hợp với múa. "Trước đây tham gia các lễ hội, tôi thường đứng xem các bậc cha, chú thổi và múa khèn. Bây giờ khi được thầy Thào truyền dạy, tôi đã học được cơ bản và thổi được nhiều điệu, nhiều bài, đặc biệt có thể thổi trong các lễ hội, đám ma nữa”, A Thắng chia sẻ.

A Chua, A Thắng là 2 trong hơn 25 người theo học lớp khèn Mông mà Hờ A Thào đã truyền dạy từ năm 2020 đến nay. Hờ A Thào cho biết: "Học thổi khèn không khó, nhưng để thổi thành bài, thành điệu thì rất khó, đòi hòi người học phải kiên trì, tập luyện liên tục. Chính vì vậy, các bạn về học đều ăn ở tập trung trong vòng 90 ngày liên tục. Trong quãng thời gian đó, tôi vừa làm thầy, làm bố, làm mẹ để lo ăn, ngủ, nghỉ cho các cháu. Hơn nữa, trong quá trình dạy, khi tôi rất kiên trì, tỉ mỉ chỉ cho các em từng nốt nhạc, kỹ thuật lấy hơi, đặc biệt truyền cảm hứng cho các em yêu thích thổi khèn nên các bạn trẻ tiến bộ nhanh”.
 
Dân ngoại đạo như tôi khi nhìn vào cuốn giáo án dạy khèn Mông của anh Hờ A Thào với 24 bài ở nhiều thể loại vui, buồn như: quỳ gối, hạ bài, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, mổ lợn, thắp hương, gọi hồn, giao khách, đón khách, chuyển bài... mà thấy đầu rối như một mớ bòng bong. Ấy thế mà bằng khả năng thẩm âm trời phú của mình, A Thào đã tôi luyện cho nhiều bạn trẻ thành thục thổi khèn kết hợp với múa khèn để tạo ra những giai điệu khèn Mông uyển chuyển, hấp dẫn, độc đáo như các "Múa nhảy đưa chân”, "Quay đổi chỗ”, "Quay tại chỗ”, "Vờn khèn”, "Múa ngồi xổm”…

Bí thư Huyên ủy Trạm Tấu Giàng A Thào khẳng định: "Khèn Mông là một loại nhạc cụ giữ vai trò trọng yếu trong đời sống, sinh hoạt văn hóa của dân tộc, thể hiện rõ nhất về tâm linh, tín ngưỡng, truyền thống của dân tộc Mông. Chính vì vậy, việc làm của Hờ A Thào trong thời gian qua đã góp phần quan trọng để gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Mông. Hơn nữa, thông qua tiếng khèn làm cho đồng bào Mông thêm gắn kết và hòa quyện văn hóa của dân tộc mình với các dân tộc khác. Và cũng là cơ sở quan trọng để Trạm Tấu thu hút du khách trong và ngoài nước đến với địa phương ngày càng nhiều hơn”.

"Có công mài sắt có ngày nên kim”, vượt bao khó khăn vất vả, công sức, mồ hôi để soạn giáo án và dạy khèn Mông cho nhiều bạn trẻ, lớp  truyền dạy khèn Mông hôm nay của Hờ A Thào không chỉ thể hiện lòng đam mê, nhiệt huyết mà còn thể hiện trách nhiệm của mình trong giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Mông. Niềm vui đó càng nhân bội khi nghệ thuật trình diễn dân gian Nghệ thuật khèn của người Mông 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái vừa được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch đưa vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Tạm biệt Tà Chử! Tạm biệt Hờ A Thào, chúng tôi xuống núi. Tiếng ôn bài và âm thanh khèn Mông của A Thào vang vọng lại phía sau. Những ca từ: "Đây rừng núi lưng đèo người Mèo ca hát/ Sao còn sáng trên trời người Mèo ơn Đảng/Bao đời nay dân nghèo lam lũ/Nay cuộc sống dân Mèo từ đây sáng rồi/Nhớ ơn Đảng đưa tới, ta từ nay ấm no/Không bỏ rẫy đốt nhà, mà lang thang nghèo suốt đời/Từ nay dân Mèo sống chung, bản Mèo vui trong tiếng khèn... " trong bài hát "Người Mèo ơn Đảng” của nhạc sỹ Thanh Phúc vẫn cứ mãi ngân lên trong các bản người Mông ở vùng cao Trạm Tấu, ngân lên trong huyết quản những chàng trai Mông như Hờ A Thào và bao thế hệ tiếp nối..

Văn Tuấn

Tags Khèn Mông Tà Chử Bản Công khoai sọ suối khoảng nóng nghệ nhân ưu tú nốt nhạc kỹ thuật lấy hơi

Các tin khác
Hàng tháng, gia đình bà Cù Thị Vân Hồng sản xuất khoảng trên 300 m2 khối gỗ ván bóc xuất bán ra thị trường.

Với đức tính cần cù, ham học hỏi, bà Cù Thị Vân Hồng năm nay ngoài 50 tuổi, ở thôn Cầu Khai, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên luôn nỗ lực tập trung phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi, làm ván bóc, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hàng năm, gia đình bà Hồng có thu nhập vài trăm triệu đồng.

Cựu chiến binh Lê Chí Công giới thiệu về quy trình kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm.

Luôn biết tìm ra hướng phát triển kinh tế mới, vừa là chi hội trưởng cựu chiến binh (CCB) vừa là giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tự thành lập với tổng nguồn thu hàng năm từ 600 - 800 triệu đồng và việc nào cũng "tròn vai". Người CCB năng động này là Lê Chí Công, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên.

Ông Nguyễn Văn Thêm tại Lễ ra mắt cuốn sách Lịch sử Đảng bộ phường Nguyễn Thái Học.

Vinh dự được các cấp, các ngành khen thưởng vì những thành tích xuất sắc, ông Nguyễn Văn Thêm - Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố số 14, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái là tấm gương tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Công an xã Tú Lệ và em Hà Kiều Oanh bàn giao tài sản cho chị Lò Thị Thu.

Em Hà Kiều Oanh – học sinh Trường Tiểu học xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn sau khi nhặt được ví da có gần 6 triệu đồng đã nhờ công an trả lại người đánh mất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục