Doanh nghiệp trẻ thích ứng với “thời công nghệ”

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/5/2025 | 8:50:20 AM

YênBái - Yên Bái đã và đang xuất hiện những doanh nhân trẻ đầy nhiệt huyết và khát vọng. Họ không chỉ nỗ lực khẳng định bản thân mà còn góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, cơ hội và thách thức đan xen, các doanh nghiệp trẻ Yên Bái đã biến thách thức thành cơ hội, tạo dựng những giá trị riêng biệt.

Du khách nước ngoài trải nghiệm ẩm thực bản địa tại Mường Lò Farmstay.
Du khách nước ngoài trải nghiệm ẩm thực bản địa tại Mường Lò Farmstay.


Câu chuyện về những doanh nghiệp trẻ Yên Bái bắt đầu từ những ý tưởng đơn giản, gần gũi với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Không ít người đã chọn quay về quê hương sau nhiều năm học tập và làm việc ở các thành phố lớn, mang theo kiến thức, kinh nghiệm và tư duy đổi mới. Họ nhìn thấy ở Yên Bái không chỉ là cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn là những tài nguyên bản địa chưa được khai thác triệt để, những đặc sản địa phương có thể nâng tầm, những cơ hội từ du lịch sinh thái và văn hóa. 

Chị Đinh Thị Đương - Chủ Mường Lò Farmstay, thị xã Nghĩa Lộ là một ví dụ điển hình. Sau nhiều trải nghiệm làm du lịch ở nhiều địa phương khác nhau như: Sa Pa, tỉnh Lào Cai và Ô Quy Hồ, tỉnh Lai Châu..., chị đã quyết định trở về Mường Lò, mảnh đất quê hương. 

"Tôi thấy Mường Lò có tiềm năng du lịch rất lớn, từ cánh đồng lúa đẹp nhất vùng Tây Bắc đến những nét văn hóa dân tộc Thái độc đáo. Tuy nhiên, cách làm du lịch vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp và đặc sắc” - chị Đương chia sẻ. 

Với số vốn ít ỏi cùng sự hỗ trợ từ gia đình, chị bắt đầu xây dựng các tour du lịch cộng đồng, tập trung vào hoạt động trải nghiệm văn hóa bản địa, đưa du khách đến với các bản làng, cùng ăn, cùng ở với người dân địa phương. Chị Đương cũng là một trong những người tiên phong đưa hình thức du lịch trải nghiệm kết hợp nông nghiệp vào Yên Bái. Mô hình "Du lịch trải nghiệm nông nghiệp” chính là nét mới, rất độc đáo của Mường Lò Farmstay, thu hút đông đảo du khách nước ngoài khám phá, trải nghiệm. Hay như anh Đào Đức Hiếu - Chủ thương hiệu "Trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng”. 

Anh Hiếu là người xây dựng và phát triển thương hiệu này đồng thời là Giám đốc Hợp tác xã Chè Shan tuyết Suối Giàng. Anh có đam mê đặc biệt với chè và đã có 18 năm kinh nghiệm về tiếp thị, về kỹ thuật sản xuất, chế biến chè ở nhiều quốc gia. Khi quyết định đầu tư vào vùng đất Suối Giàng, huyện Văn Chấn - nơi có những cây chè Shan tuyết hàng trăm năm tuổi, anh Hiếu luôn trăn trở làm sao để nâng tầm giá trị cho sản phẩm chè nơi đây. "Chè Suối Giàng nổi tiếng nhưng tiêu thụ còn nhiều khó khăn, giá cả chưa tương xứng với chất lượng” - anh Hiếu nói.

Sau nhiều năm tìm tòi, học hỏi quy trình sản xuất, chế biến chè hiện đại, anh đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì bắt mắt và quảng bá sản phẩm trên các nền tảng trực tuyến. Nhờ đó, trà Suối Giàng không chỉ được biết đến rộng rãi trong nước mà còn tiếp cận thị trường quốc tế, mang lại thu nhập ổn định cho doanh nghiệp và hàng chục hộ dân trồng chè.

Trong thời đại kinh tế số, các doanh nghiệp trẻ Yên Bái hiểu rằng công nghệ không còn là một lựa chọn mà là một yếu tố sống còn. Họ không ngần ngại đầu tư vào các giải pháp công nghệ để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng dịch vụ và tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Việc ứng dụng các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, dịch vụ đã trở thành tất yếu. Nhiều doanh nghiệp trẻ đã thành công trong việc đưa sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương lên các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki hay các nền tảng livestream bán hàng. 

Anh Nguyễn Văn Toản - chủ một trang trại nuôi ong mật và sản xuất các sản phẩm từ mật ong tại huyện Mù Cang Chải cho biết: "Trước đây, sản phẩm của tôi chủ yếu bán cho các thương lái hoặc qua kênh truyền thống, rất khó mở rộng thị trường. Từ khi bán hàng online, sản phẩm đã được nhiều người biết đến hơn, doanh thu tăng gấp đôi”. 

Không chỉ dừng lại ở thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp còn mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào quản lý. Các phần mềm quản lý khách hàng, quản lý kho, quản lý nhân sự dần được triển khai, giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn, giảm thiểu sai sót và đưa ra những quyết định kinh doanh kịp thời. Sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu cũng giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thị trường, về hành vi khách hàng để điều chỉnh chiến lược sản phẩm và tiếp thị phù hợp. Hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp trẻ cũng ngày càng được tăng cường, tạo thành những chuỗi giá trị liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm.

Năng động, sáng tạo và thích ứng linh hoạt, các doanh nghiệp trẻ Yên Bái đang từng bước khẳng định vị thế, không chỉ ở phạm vi địa phương mà còn vươn ra thị trường lớn hơn. Họ là những người tiên phong với khát vọng không ngừng khám phá những tiềm năng chưa được khai thác, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ độc đáo mang đậm bản sắc quê hương.

Thiên Cầm

Tags Yên Bái doanh nghiệp trẻ công nghệ doanh nhân

Các tin khác
Nghệ nhân ưu tú Mai Thị Hồng Chắn tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng huyện Lục Yên

Giữa những ngọn núi trập trùng, nơi bản làng Minh Xuân, huyện Lục Yên thơ mộng, có một người phụ nữ vẫn ngày đêm cần mẫn lưu giữ từng câu hát, từng điệu khắp, lượn, then… của dân tộc Tày. Chị là Mai Thị Hồng Chắn – một nghệ nhân ưu tú không chỉ được biết đến với giọng hát truyền cảm như suối nguồn, mà còn là người đã và đang thổi hồn vào thế hệ trẻ bằng chính tâm huyết và tình yêu văn hóa truyền thống. Chị đã và đang viết tiếp trang sử đầy tự hào cho văn hóa dân tộc từ việc học và làm theo lời Bác dạy: “Giữ gìn bản sắc dân tộc là giữ lấy hồn cốt của đất nước”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Đồng hướng dẫn các bé gói bánh chưng trong hoạt động trải nghiệm ở trường.

Gần 20 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Đồng, huyện Trấn Yên luôn phát huy tinh thần, trách nhiệm là cán bộ quản lý giỏi, gương mẫu đi đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Anh Tiến - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn thăm, khám cho bệnh nhân.

Hơn 35 năm gắn bó với ngành y, Bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Anh Tiến - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn nay đã gần 60 tuổi vẫn luôn giữ cho mình sự giản dị, tận tụy và hết lòng vì người bệnh.

Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trần Thị Bích Đào (bên phải) kiểm tra công tác duy trì các tiêu chí xây dựng “Trường học hạnh phúc” ở các lớp bậc tiểu học.

Giữa những sườn đồi bạt ngàn quế của vùng đất Văn Yên, Trường TH&THCS Mậu Đông, xã Mậu Đông là nơi đã gieo mầm tri thức cho bao thế hệ học trò quê núi. Ít ai biết rằng, đằng sau những kết quả nổi bật về giáo dục, phong trào thi đua và tinh thần đoàn kết nội bộ ấy là hình bóng lặng thầm, bền bỉ của một người đã dành trọn tâm huyết cho ngôi trường: đồng chí Trần Thị Bích Đào - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục