Yên Bái phát huy nội lực để giảm nghèo bền vững

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/9/2023 | 9:47:04 AM

YênBái - Công tác giảm nghèo của Yên Bái trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực với tỷ lệ giảm nghèo bình quân trên 4%/năm. Đây là thành quả từ sự linh hoạt trong việc lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để người nghèo phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo bền vững.

Từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Bái đã phát huy nội lực, vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống khá hơn trước
Từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Bái đã phát huy nội lực, vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống khá hơn trước

Gia đình anh Vũ Văn Ngôn trước là một trong những hộ nghèo nhất ở thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên. Cuộc sống của hai vợ chồng trẻ lúc ra ở riêng chỉ là một căn nhà tạm bợ. Không vốn, lại không có nghề nghiệp, hai vợ chồng anh Ngôn phải gửi hai con nhỏ cho ông bà nội để đi làm thuê tận tỉnh Hà Nam. 

Sau 5 năm vất vả kiếm sống, chắt chiu từng đồng tiền công, anh Ngôn trở về quê hương phát triển kinh tế. Với số tiền dành dụm từ làm thuê, nguồn thu từ cây quế, cuối năm 2022, gia đình anh đã xây được căn nhà khang trang, kiên cố. Mặc dù còn nhiều vất vả, song anh đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. 

Anh Ngôn chia sẻ: "Mới làm xong nhà, cuộc sống của gia đình vẫn còn nhiều khó khăn nhưng so với những hộ khác thì mình vẫn còn hơn. Hai vợ chồng bảo nhau viết đơn lên xã để xin ra khỏi hộ nghèo để dành chế độ hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước cho những hộ khó khăn hơn mình”.

Thực hiện chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước về xây dựng cơ sở hạ tầng, như: điện, đường, trường, trạm, thông tin liên lạc…, những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp đã khá lên nhiều. Đặc biệt, từ khi có điện lưới quốc gia, đường vào thôn được kiên cố hóa, người dân rất phấn khởi, hăng say phát triển kinh tế đồi rừng, đặc biệt là làm giàu từ cây quế. Chính quyền địa phương vận động người dân trong thôn cùng quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ hỗ trợ nhau làm nhà, hỗ trợ vay vốn, cây, con giống để cùng nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. 

Chị Nguyễn Thị Thanh Vân - người dân thôn Hạnh Phúc phấn khởi chia sẻ: Mấy năm gần đây, cây quế có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập ổn định cho bà con. Đời sống khá hơn nên chúng tôi cũng quan tâm hơn đến việc cho con em đến trường, nhiều nhà cho con đi học đại học, cao đẳng ở Hà Nội, Hưng Yên. Chúng tôi rất vui và phấn khởi! Thôn Hạnh Phúc chúng tôi-đùng là hạnh phúc thật!".

 Còn Trưởng thôn Hạnh Phúc Nguyễn Văn Phú chia sẻ: "Bà con trong thôn luôn phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập để nâng cao chất lượng cuộc sống. Bà con cảm ơn Đảng, Nhà nước khi đưa điện lưới quốc gia về thôn, nhiều nhà đã sắm thêm được ti vi, tủ lạnh…, bà con rất vui và phấn khởi!’

Không chỉ riêng thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên mà tại những thôn bản vùng sâu, vùng xa ở các địa phương khác khác trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng có nhiều cách làm hay, sáng tạo phát huy nội lực của người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. 

Xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên trước đây là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên với tỷ lệ hộ nghèo cao. Song với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự nỗ lực vươn lên, phát huy nội lực của người dân để thoát nghèo bền vững. Công tác giảm nghèo ở Kiên Thành đã đạt được những kết quả quan trọng. Người dân không còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà đã chủ động khai thác những lợi thế từ kinh tế lâm nghiệp, phát triển mở rộng diện tích quế, tre măng Bát Độ; trồng cây dược liệu dưới tán rừng với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm. 

Người dân xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên chế biến măng tre Bát Độ

Phó Chủ tịch UBND xã Kiên Thành - Hoàng Ngọc Chấn cho biết: "Năm 2019, xã vinh dự được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2022, xã đã có 30 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,98%. Năm 2023, xã phấn đấu hỗ trợ 18 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,14 %. Đây là một cố gắng lớn của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương”.

Thông qua những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể các địa phương trong công tác vận động đã tạo cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh Yên Bái có thêm niềm tin với Đảng, khơi dậy ý thức tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua những định kiến lạc hậu, tư tưởng trông chờ ỷ lại, tự vươn lên phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững. 

Năm 2023, tỉnh Yên Bái đưa ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 3,5%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 1,22% so với năm trước. Đây là nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. 

Để phát huy sức mạnh tổng hợp, bên cạnh việc lồng ghép các cơ chế, chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức thoát nghèo bền vững trong nhân dân cũng là việc làm được tỉnh Yên Bái đặc biệt coi trọng. 

Cùng với đó, trong giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Yên Bái sẽ hỗ trợ xây dựng trên 3.000 căn nhà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, làm mới trên 2.350 nhà, sửa chữa 671 nhà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, riêng năm 2023 hỗ trợ làm mới và sửa chữa gần 1.600 nhà. Đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của tỉnh, trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. 

Với nhiều nguồn lực và giải pháp các địa phương đã tập trung đầu tư trọng điểm vào vùng "lõi nghèo" nhằm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo sinh kế, thu nhập bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau”. 

Yên Bái cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện các chính sách giảm nghèo và triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó đặc biệt chú trọng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. 

Trong quá trình thực hiện các chương trình giảm nghèo, tỉnh chú trọng giảm chương trình hỗ trợ trực tiếp, cho không; ban hành các chính sách hỗ trợ có điều kiện để thay đổi tư duy, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của người nghèo để hướng tới xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn, góp phần đưa Yên Bái sớm trở thành tỉnh hạnh phúc.

Mạnh Cường

Tags Yên Bái giảm nghèo Kiên Thành Tân Hợp Hạnh Phúc Văn Yên Trấn Yên

Các tin khác
Từ chăn nuôi gà, gia đình Nông Thị Nhiệm, thôn Trạng, xã Tân Lĩnh (người đứng giữa) đã được công nhận thoát nghèo. Đến nay, gia đình chị còn vươn lên trở thành hộ khá của xã.

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Lục Yên đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm tạo điều kiện cho chị em phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo bền vững. Các cấp Hội phấn đấu năm 2023 giúp đỡ 40 hộ gia đình phụ nữ nghèo, 45 hộ cận nghèo thoát nghèo.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân được nhân rộng.

Đến nay, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên đã giảm được 10,37% hộ nghèo theo chuẩn nghèo cũ; năm 2021 – 2022, bình quân mỗi năm giảm 4,3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều; năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo còn 9,52%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 12,67%.

Mô hình trồng cà chua giống mới được người dân Văn Yên áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2023, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Yên Bái được giao 278, 3 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư phát triển 127 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 151,3 tỷ đồng.

Được hỗ trợ điện thoại thông minh, bà Nguyễn Thị Nghĩa ở thôn Đình Xây, xã Báo Đáp dễ dàng tiếp cận thông tin nhanh chóng, kịp thời.

Cùng với việc triển khai đồng bộ nhiều chính sách giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đã chú trọng công tác giảm nghèo về thông tin, quan tâm đầu tư dịch vụ viễn thông và phương tiện tiếp cận thông tin cho người dân gắn với thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục