Cần mẫn như loài ong

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/9/2014 | 9:13:48 AM

YBĐT - Ở thị trấn nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn (Yên Bái), chàng thanh niên Đỗ Văn Thiệp không chỉ được mọi người biết đến là người kế nghiệp mô hình nuôi ong lớn nhất nhì trong vùng mà còn vì cái tính cần mẫn, kiên nhẫn như những chú ong. Bà con trong thị trấn thì bảo rằng, chẳng thấy anh nói to bao giờ, thanh niên giờ như cậu ấy thì hiếm đấy...

Đỗ Văn Thiệp (thứ 2, phải sang) giới thiệu về nghề nuôi ong với cán bộ Huyện Đoàn và đoàn viên trong thị trấn.
Đỗ Văn Thiệp (thứ 2, phải sang) giới thiệu về nghề nuôi ong với cán bộ Huyện Đoàn và đoàn viên trong thị trấn.

“Tiếng lành đồn xa”, có dịp về thị trấn Nông trường Liên Sơn, ngỏ ý muốn diện kiến người "hiếm" đấy, Bí thư Đoàn thanh niên thị trấn Lê Quốc Vương liền xung phong đưa chúng tôi đi, rồi "đính kèm": "Một đoàn viên rất chí hướng của Đoàn thanh niên thị trấn, lại thuần tính, cần mẫn, kiên nhẫn khó ai bằng". Lời giới thiệu ấy khiến chúng tôi càng thêm tò mò. Dừng trước ngôi nhà rộng sát đường lớn, trong khuôn vườn khói nghi ngút, dáng dấp một người thanh niên lụi hụi kiểm tra gì đó bên những thùng gỗ nhỏ. Thấy có khách, anh quay lại nói khẽ: "Chờ em một chút".

Trong làn khói mỏng tôi vẫn nhìn rõ chàng trai trẻ có khuôn mặt khá điển trai. "Đó là Đỗ Văn Thiệp con trai út của ông Đỗ Văn Vũ. Anh ấy đang khám bệnh cho ong" - Vương ghé vào tai tôi nói. Thật chậm rãi, Thiệp lấy tay xịt nhẹ chiếc bình hun khói, rồi từ từ nâng nhẹ từng phên tổ ong trong chiếc thùng gỗ, nhìn mặt trước, nhìn mặt sau. Lại gần, tôi nhìn rõ đôi mắt sáng lướt lên trên rồi xuống dưới, sau trước, tỉ mỉ kiểm tra. Cứ như thế, cái hình ảnh này có thể khiến người ngoài cảm thấy nhàm chán nhưng trong đôi mắt ấy sự kiên nhẫn, trách nhiệm hiện rõ lên cả.

Quay về sân trước nhà đặt chiếc bàn uống nước, Thiệp vừa rót nước mời khách, vừa phân trần: "Các anh chị thông cảm, đang dở dang nên em muốn làm nốt". "Không sao đâu, tôi cũng muốn tìm hiểu công việc của bạn. Thế mỗi ngày bạn "thăm" ong mấy lượt như vậy?" - tôi tò mò xem một ngày anh ấy lặp lại cái công việc "nhàm chán" ấy bao nhiêu lần. Thiệp cười: "Cũng vài lần tùy thuộc vào từng giai đoạn, hoặc có dịch bệnh thì phải theo dõi liên tục". "Thế thì chẳng khác nào chăm trẻ con nhỉ" - tôi đùa. Anh cũng đùa lại: "Vâng nhưng là hàng triệu triệu con ấy chứ". Đúng rồi, có khi còn hơn ấy chứ bởi mỗi vụ nhà Thiệp nuôi hơn 500 đàn, tương đương với 500 thùng gỗ ở trong vườn. Thiệp tiếp lời: "Nuôi ong được xem là một nghề đòi hỏi sự khéo léo, dày công chăm bẵm như chăm trẻ nhỏ nhưng cũng không phải là quá khó khăn nếu người làm nghề thực sự ham thích học hỏi, kiên nhẫn và thuần tính".

Kiên nhẫn và thuần tính không phải ai cũng có sẵn trong người, phải trải qua thời gian, kinh qua nhiều sóng gió của cuộc đời con người mới có thể trở lên kiên nhẫn hơn, chín chắn hơn. Nhưng với Thiệp - chàng trai mới 26 tuổi, đạt được độ kiên nhẫn ấy chắc chắn là từ những điều khác, chắc không phải sóng gió và càng không phải thời gian.

Tôi lan man đuổi theo dòng suy nghĩ như đuổi theo những chú ong đang chăm chỉ cần mẫn làm ra những mật ngọt trong vườn kia thì Bí thư Đoàn thị trấn nói với tôi: "Bố của anh Thiệp là ông Đỗ Văn Vũ - người có trên dưới 20 năm trong nghề nuôi ong ở đất này đấy. Học trò đến học ông ấy cách nuôi ong không chỉ có trong vùng mà còn nhiều huyện, tỉnh khác. Nhiều người Mông ở huyện, ở thị trấn đã thoát nghèo nhờ học nuôi ong từ ông". Thiệp tiếp lời Bí thư Đoàn: "Em lớn lên bên những đàn ong, ong nuôi anh em tôi ăn học. Có thời kỳ nhà em điêu đứng cũng vì ong. Nhưng rồi vượt qua, con ong vẫn gắn bó với gia đình".

Được coi là người kế nghiệp bố mình nên hiện nay, Thiệp cáng đáng cả cơ nghiệp của gia đình. "Chắc anh đã nắm bắt được hết những bí quyết, kỹ thuật của bố mình rồi chứ" - hỏi xong tôi lại thấy câu này thừa quá. Nhưng Thiệp lại rất khiêm tốn: "Khoảng 80% thôi. Mà cũng không gọi là bí quyết gì, ai đến học bố em đều truyền dạy hết, còn dung nạp được bao nhiêu là tùy vào mỗi người". Bí thư Đoàn thị trấn thấy vậy liền "cãi": "Anh ấy nói vậy chứ hiện nay một mình anh ấy làm tất cả các công đoạn và kiêm luôn cả việc truyền nghề cho những người muốn học". Thiệp cười, nụ cười hiền khô bị lạc trong khuôn mặt điển trai kiểu tài tử: "Một năm 3 vụ hoa, theo đó cũng có 3 vụ phải bận việc thôi. Nhưng để ong lấy được nhiều mật, mỗi năm nhà em phải di chuyển đàn ong đến một số vườn cây ăn quả trong huyện, sau tết là mùa hoa rừng nên có khi đi cả tháng lên Mù Cang Chải để ong có thể cho mật vị ngọt đặc biệt. Việc di chuyển thường tiến hành vào ban đêm khi đàn ong đang ngủ để tránh tình trạng phân đàn do bị thay đổi địa điểm nuôi đột ngột".

Không chỉ am hiểu đặc tính của loài ong, Thiệp còn có cả sự am hiểu về các loài hoa, mùa hoa nở, mùa con ong đi lấy mật, biết cách luân chuyển đàn ong tìm kiếm những nơi  có nguồn mật hoa dồi dào. Đi theo đàn ong như vậy thì sinh hoạt thế nào nhỉ? "Thì cắm lán trại theo ong thôi" - câu trả lời đơn giản ấy của Thiệp càng khẳng định cho giả thuyết "chính công việc nuôi ong làm nên tính cần mẫn, kiên nhẫn của Thiệp". Và chính cái tính cách cần mẫn đó mỗi năm Thiệp thu nhập từ ong cũng để ra được trên 100 triệu đồng.

Câu chuyện di cư cùng đàn ong với Thiệp bỗng bị cắt ngang bởi có khách đến đặt đõ ong. Lúc này tôi mới để ý thấy nhà Thiệp còn có máy bào cưa và những thanh gỗ ngổn ngang không dùng để đóng mộc gia dụng mà là để làm những đõ ong theo đúng quy chuẩn "ong nội". Đúng như lời Bí thư Đoàn thị trấn nói, mọi công đoạn nuôi ong Thiệp đều tự mình làm hết. Tôi thắc mắc, tay nào để anh làm nữa thì Thiệp trả lời: "Những lúc không phải chăm đàn ong thì em ngồi đóng thùng theo đúng quy cách tiêu chuẩn mà mình thực hiện nuôi đàn ong".   Vậy là tôi đã hiểu vì sao anh ấy lại có được sự kiên nhẫn và thuần tính ở độ chín như vậy. Chắc chẳng ngoa khi nói rằng, người nuôi ong rồi ắt sẽ có được sự cần mẫn như chính đặc tính của loài ong.

Chia tay Thiệp và những đàn ong của anh, tôi đùa: "Thời gian dành hết cho ong rồi thì thời gian nào dành cho bạn gái?". Thiệp thật thà: "Người ta thương mình rồi, thì người ta sẽ hiểu mình". Mật ngọt nằm ở những giá trị đích thực và giá trị đích thực của Thiệp là ở tính cần mẫn lao động. Và chắc chắn rằng Thiệp đã, đang và sẽ tạo được "mật ngọt cuộc sống" như cái cách anh tạo ra những loại mật ong ngon.

Thanh Ba

Các tin khác
Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Từ cây quế trung bình hàng năm gia đình ông Hoàng Văn On thu nhập trên 800 triệu đồng.

Nói đến ông Hoàng Văn On, người dân tộc Dao ở thôn Bản Tát, xã Châu Quê Hạ, huyện Văn Yên ai nấy đều nể phục tấm gương sản xuất giỏi tiêu biểu, trở thành tỷ phú từ trồng quế nhiều năm qua. Trồng quế lâu năm, nguồn thu nhập từ cây quế của gia đình ông trung bình hàng năm đạt trên 800 triệu đồng.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục