Cô giáo yêu nghề, quý trẻ

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/4/2016 | 9:52:00 AM

YBĐT -“Là giáo viên trẻ có năng lực, hết lòng với công việc, sống hòa đồng, giản dị, xứng đáng là tấm gương mẫu mực của một giáo viên mầm non” - là nhận định của nhiều người khi gặp gỡ, tiếp xúc và làm việc với Phương Mai.

Cô giáo Nguyễn Thị Phương Mai trong một giờ lên lớp có ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng.
Cô giáo Nguyễn Thị Phương Mai trong một giờ lên lớp có ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng.

 Những ngày giữa tháng Tư oi ả, do bận vừa đi học, vừa đi làm nên cô giáo Nguyễn Thị Phương Mai - giáo viên Trường Mầm non Thực hành (thành phố Yên Bái) hẹn gặp tôi vào một buổi chiều muộn. Khuôn mặt xinh xắn, làn da trắng và giọng nói trong trẻo. Chỉ nhìn thôi phần nào tôi cũng hiểu vì sao cô giáo sinh năm 1987 này được các bé yêu mến, phụ huynh tin tưởng và đồng nghiệp quý trọng.

 “Là giáo viên trẻ có năng lực, hết lòng với công việc, sống hòa đồng, giản dị, xứng đáng là tấm gương mẫu mực của một giáo viên mầm non” - là nhận định của nhiều người khi gặp gỡ, tiếp xúc và làm việc với Phương Mai.

Trở thành một giáo viên mầm non là ước mơ ngay từ khi còn nhỏ mà Phương Mai ấp ủ và ước mơ ấy lớn dần theo năm tháng. Hoàn thành khóa học 2005 - 2008 tại Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, ngày đầu tiên đi làm cô nghe được câu nói: “Chưa làm mẹ nhưng chứa chan tình mẹ/ Bởi yêu nghề nên quý lớp măng non”.

Với một sinh viên vừa ra trường, tuổi đời còn trẻ cùng khát khao cháy bỏng theo đuổi ước mơ, câu nói ấy dường như đã tiếp thêm sức mạnh, động lực cho cô giáo Phương Mai quyết tâm đi trên con đường mình đã chọn. Và cũng chính câu nói ấy, giờ đây trở thành tâm niệm với nghề.

Phương Mai chia sẻ: “Năm 2008, tôi bắt đầu đi làm tại Trường Mầm non Ngọc Lan, xã Tân Thịnh (thành phố Yên Bái), ngày đầu tiên đi làm chứng kiến các bé lớp 2 tuổi khóc khản cả tiếng vì chưa quen trường lớp thấy sao mà xót quá. Kiến thức được học vẫn còn trong sách vở mà ít có kinh nghiệm thực tế, suy nghĩ và hành động bằng bản năng, tình yêu thương, tôi đã đến dỗ dành các con dù cho đó không phải lớp của mình. Các con dần quen, ngoan hơn và rất quấn tôi, ngày nào cũng chạy sang vì muốn được tôi âu yếm, vỗ về. Thực sự, chưa bao giờ tôi cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc đến vậy. Giây phút ấy, tôi biết mình sẽ không bao giờ hối hận khi trở thành một cô giáo mầm non”.

Năm 2010, chị Phương Mai nhận công tác tại Trường Mầm non Thực hành. Quãng thời gian khi mới bước chân vào nghề ấy đã trở thành những kỷ niệm chị  không bao giờ quên.

“Dù ở bất cứ cấp học nào người giáo viên cũng phải thực sự yêu nghề. Riêng đối với cô giáo mầm non, ngoài tình yêu nghề còn cần phải biết kiên nhẫn, có kỹ năng ứng xử khéo léo, hiểu biết rộng, và sự tận tâm. Trẻ nhỏ thường rất thẳng thắn và thể hiện yêu, ghét rõ ràng, nếu thực sự quan tâm, chăm sóc, trẻ chắc chắn sẽ luôn yêu mến. Những yếu tố ấy đều hội tụ ở cô giáo Phương Mai. Cô giáo là niềm tự hào của nhà trường và là người đồng nghiệp chúng tôi tin tưởng. Ban giám hiệu nhà trường cũng như các đồng nghiệp luôn cố gắng giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cô giáo Phương Mai có thể phát huy khả năng, tính sáng tạo trong công việc” - cô giáo Lương Thị Lan Anh - Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Thực hành cho biết.

Có con đang theo học tại lớp 5 tuổi B - lớp cô giáo Phương Mai trực tiếp giảng dạy, phụ huynh Lê Vân Trang cũng bày tỏ: “Có con theo học tại lớp cô Phương Mai tôi rất yên tâm. Trên lớp, cô đặt mục tiêu an toàn cho trẻ lên hàng đầu, dạy dỗ, chăm sóc các con khoa học và tạo sự hấp dẫn trong từng tiết học. Đi học về bé thích thú khi kể lại những câu chuyện trên lớp, thích được cô tết tóc, dạy hát, dạy múa… Cháu cũng tăng cân đều, nhanh nhẹn, sinh hoạt nề nếp và biết lắng nghe”.

Bậc học mầm non là lứa tuổi hiếu động, tinh nghịch và dễ bắt chước, 30 tuổi đời với gần 10 năm gắn bó với nghề, một mặt không ngừng học tập trau dồi kiến thức, mặt khác cô giáo Phương Mai còn chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để vận dụng vào thực tế công việc. Nhờ đó, lớp do cô phụ trách luôn duy trì 100% sĩ số, nhiều học sinh của lớp tham gia thi “Bé khỏe, bé ngoan” đạt giải cao, tích cực tham gia các hoạt động tập thể, phát huy tính năng động của trẻ.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin (CNTT) hiện nay đã mở ra những hướng đi mới cho ngành giáo dục trong đổi mới phương pháp và hình thức dạy học. CNTT phát triển mạnh kéo theo sự phát triển của hàng loạt các phần mềm giáo dục, rất hữu ích cho giáo viên mầm non. Nhanh nhạy trong nắm bắt thông tin và kịp thời ứng dụng CNTT trong giảng dạy, “Tiết dạy tự chọn khám phá khoa học” của cô giáo Phương Mai tại cuộc thi Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố và cấp tỉnh năm 2015 - 2016 đã góp phần quan trọng giúp cô giành được giải Nhất.

“Tôi dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu, tìm cách làm các dạng bài tập ứng dụng CNTT, có khi thức trắng đêm. Các chương trình chạy slide trình chiếu, lồng tiếng, cắt ghép hình ảnh, cắt  nhạc… tôi đều tự làm được. Vừa tiết kiệm chi phí vừa nâng cao tính sinh động, hiệu quả của giờ dạy” - cô giáo Phương Mai cho biết.

Với những cống hiến, nỗ lực không ngừng trong công việc, năm 2015, cô giáo Phương Mai vinh dự nhận Bằng khen của Tỉnh đoàn Yên Bái “Vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và Phong trào thanh thiếu nhi”; giải Nhất cuộc thi Bí thư Đoàn cơ sở giỏi cấp thành phố năm 2015; giải Nhất cuộc thi Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố năm 2015 - 2016; giải Nhất cuộc thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2015 - 2016. Với tinh thần lao động sáng tạo, tích cực và hiệu quả, cô giáo Phương Mai đã và đang góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của Trường Mầm non Thực hành nói riêng và tỉnh nhà nói chung. Đồng thời, xứng đáng là người mẹ, người cô, người đồng nghiệp thân thiện và là tấm gương sáng để đồng nghiệp học tập, làm theo.

Anh Vũ

Các tin khác
Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Từ cây quế trung bình hàng năm gia đình ông Hoàng Văn On thu nhập trên 800 triệu đồng.

Nói đến ông Hoàng Văn On, người dân tộc Dao ở thôn Bản Tát, xã Châu Quê Hạ, huyện Văn Yên ai nấy đều nể phục tấm gương sản xuất giỏi tiêu biểu, trở thành tỷ phú từ trồng quế nhiều năm qua. Trồng quế lâu năm, nguồn thu nhập từ cây quế của gia đình ông trung bình hàng năm đạt trên 800 triệu đồng.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục