Làm giàu với cây quế

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/7/2016 | 9:44:15 AM

YBĐT - Vụ tháng 3 đầu năm, vợ chồng anh Nguyễn Quốc Đỉnh ở thôn 5, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên bóc 10 tấn quế vỏ, bán giá 16.000 đồng/kg, thu về 160 triệu đồng, cộng với bán lá, bán gỗ được 100 triệu đồng.

Anh Nguyễn Quốc Đỉnh (bên phải) bán gỗ quế cho một cơ sở thu mua ngay trên địa bàn thôn.
Anh Nguyễn Quốc Đỉnh (bên phải) bán gỗ quế cho một cơ sở thu mua ngay trên địa bàn thôn.

Đến đầu tháng 6, nhà anh bán 2 xe gỗ quế khoảng 3 m3 có thêm 4,5 triệu đồng. Cứ mỗi lần thu tiền từ cây quế cũng là một lần cả hai vợ chồng anh Đỉnh lại nhắc nhau quý trọng những gì đang có hôm nay vì tất cả bắt đầu từ gian khó.

Khi anh Đỉnh 21 tuổi, đó là năm 1993, ở thôn lúc đó có 2 nhóm cựu chiến binh bắt đầu trồng quế và anh muốn làm theo. “Chẳng suy nghĩ gì nhiều, làm theo là làm thôi vì tôi thấy đất đai xung quanh còn bỏ không nhiều. Những năm ấy cũng là quế Văn Yên nổi tiếng gần xa với giá trị kinh tế cao, tôi cũng thử xem sao” - anh Đỉnh kể lại. Sang đến vùng quế Viễn Sơn của huyện Văn Yên, anh học cách đồng bào Dao nơi đây trồng quế và mua 1 yến hạt giống quế về gieo thẳng chứ không làm bầu.

Với số hạt giống trong tay, anh trồng được 1 vạn cây. Ba năm sau, anh lập gia đình. Cứ thế, hàng năm, vợ chồng anh đều tiến hành nhân rộng diện tích quế. Anh vẫn ưa chuộng hạt quế giống vùng Viễn Sơn nên thường xuyên đi mua về trồng bởi cây quế mẹ phải được 15 năm tuổi trở lên thì mới có thể cho hạt giống chất lượng.

Anh Đỉnh cho biết, đối với cây quế, khâu quan trọng nhất và cần chăm sóc nhất là trong thời gian 3 năm đầu tiên. Thời điểm này, người trồng cần quan tâm chăm sóc tốt nhất, đặc biệt phải dọn cỏ sạch để giúp cho cây quế phát triển. Sang năm thứ hai là phải xem xét lại để tiến hành trồng dặm và năm thứ ba tập trung phát dọn cỏ. Từ năm thứ tư trở đi, cây quế đã bắt đầu khép tán thì việc chăm sóc cũng đã bắt đầu nhàn đi nhiều, mỗi năm cũng chỉ cần phát dọn một lần.

Điều mà hai vợ chồng anh Đỉnh thích nhất chính ở chỗ chẳng cần có loại phân hóa học nào cho cây quế nên hoàn toàn là một sản phẩm sạch. Một điều nữa mà vợ chồng anh thích là từ khi được khai thác đến nay, sản phẩm quế của gia đình chưa bao giờ phải lo đầu ra vì có đến đâu là tiêu thụ hết đến đó. Mỗi năm, cây quế bán vào vụ tháng 3 và vụ tháng 8. Bây giờ, điều mà người trồng quế càng thích nữa là cây quế không có thứ gì bỏ đi, từ vỏ đến lá, cành và gỗ đều bán được tiền. Lá tươi thì độ 1.200 đồng mỗi cân, lá khô và cành nhỏ có giá 2.000 đồng/kg; vỏ tươi bán được 16.000 đồng/kg, vỏ khô có giá gấp đôi; gỗ quế thấp nhất là 1,4 triệu đồng/m3, cao nhất đến 3 triệu đồng. Cây quế càng để lâu càng có giá trị kinh tế cao nên nhà có việc cần thì khai thác, không thì không bóc. Hiện nay, anh Đỉnh có 10 ha quế từ 10 năm tuổi trở lên. Diện tích này anh cũng chỉ khai thác và trồng lại bởi không còn đất để mở rộng. Anh mới mua 3.500 cây giống trồng thay thế số cây vừa khai thác.

Ngôi nhà xây năm 2003 từ 36 triệu đồng tiền bán quế, các con đi học nhờ cây quế, mọi việc lớn trong gia đình cũng trông vào cây quế, anh Đỉnh cảm thấy thật bõ công sức mình đã bỏ ra. Đó là những tháng ngày phải ở lại lán trên đồi quế để trông giữ, nhà cách đồi quế có hai cây số mà tháng chỉ về nhà một lần, tết về chúc ông bà và bố mẹ rồi lại đi luôn, khi nào hết lương thực và thực phẩm mới về lấy, phải trồng thêm cây sắn để lo nguồn lương thực, nuôi bò và gà... Đi qua mọi khó khăn với sự kiên trì và chịu khó, vợ chồng anh Đỉnh tự hào và trân trọng những gì họ đang có hôm nay.

Nguyễn Thơm 

Các tin khác
Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Từ cây quế trung bình hàng năm gia đình ông Hoàng Văn On thu nhập trên 800 triệu đồng.

Nói đến ông Hoàng Văn On, người dân tộc Dao ở thôn Bản Tát, xã Châu Quê Hạ, huyện Văn Yên ai nấy đều nể phục tấm gương sản xuất giỏi tiêu biểu, trở thành tỷ phú từ trồng quế nhiều năm qua. Trồng quế lâu năm, nguồn thu nhập từ cây quế của gia đình ông trung bình hàng năm đạt trên 800 triệu đồng.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục