Người chăm cây, cây cho quả ngọt ở Trần Phú

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/2/2017 | 8:02:55 AM

YBĐT - Năm 2015, anh Đoàn thu về từ cây cam 500 triệu đồng, năm 2016 ước đạt hơn 400 triệu đồng do cam sành được mùa nên giá thấp hơn năm trước.

Anh Hồ Xuân Đoàn tỉa cành cho cây cam sau thu hoạch.
Anh Hồ Xuân Đoàn tỉa cành cho cây cam sau thu hoạch.

Anh Hồ Xuân Đoàn ở tổ dân phố 3, thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn bắt đầu trồng cam từ năm 2012. Quyết định trồng cam bởi anh nhận thấy các hộ trong thị trấn trồng cam cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng chè. Hai năm sau đó, anh đã chính thức trở thành thành viên của Câu lạc bộ Trang trại Thanh niên thị trấn.

Anh Đoàn cho hay: “Tôi tham gia Câu lạc bộ vì mong muốn việc sinh hoạt thường xuyên sẽ có ích cho quá trình phát triển sản xuất của bản thân. Ngoài ra, Câu lạc bộ có nhiều thành viên có kinh nghiệm trồng cam hiệu quả lâu năm thì mình chắc chắn sẽ tích lũy được nhiều kiến thức quý báu”.

Hiện nay, gia đình anh có gần 2 ha cam đã cho thu hoạch và khoảng 4.000 m2 chưa cho thu. Cây cam sành chiếm diện tích chủ yếu bên cạnh cây cam V2, cam Đường canh của nhà anh Đoàn. Đầu ra tiêu thụ cho sản phẩm cam quả hàng năm, anh Đoàn cho biết là các tỉnh miền xuôi, nhiều ở thị trường thành phố Hà Nội, cũng có một lượng nhỏ ra thành phố Yên Bái. Năm 2015, anh Đoàn thu về từ cây cam 500 triệu đồng, năm 2016 ước đạt hơn 400 triệu đồng do cam sành được mùa nên giá thấp hơn năm trước.

Theo kinh nghiệm của anh Đoàn, cây cam đòi hỏi kỹ thuật nhiều hơn, việc chăm sóc cây cam cũng khó hơn so với cây chè. Khu vực thị trấn Nông trường Trần Phú, lượng mưa hàng năm nhiều, độ ẩm cao nên cây cam hoàn toàn không phải tưới nước. Quá trình thu hoạch xong cam hàng năm, kể cả tất cả các loại cam từ chín sớm đến chín muộn, thường trong khoảng cuối tháng 11 đến đầu tháng 3 dương lịch.

Đối với chăm sóc cây cam sau thu hoạch, khâu đầu tiên là việc tỉa cành. Việc này sẽ dùng kéo để tỉa bớt những cành thiếu ánh sáng, cành kém phát triển, cành già, cành khô. Tiếp đó là khâu bón phân gồm phân chuồng và phân NPK, lượng phân chuồng bón lót ở mức 40 kg cho mỗi gốc, lượng phân NPK là 2 - 3 kg.

Về việc phun thuốc thì sẽ phun thuốc kích thích ra mầm, sử dụng thuốc sinh học trị sâu bệnh tổng hợp. Nếu cây cam có bọ xít thì phun thuốc trị bọ xít. Cây cam chủ yếu hay bị nhện đỏ nên cần phun thuốc trị nhện đỏ kịp thời, nếu không thì vỏ quả cam sẽ bị đen cũng như bị cứng quả. Chăm sóc tốt cây cam sau thu hoạch sẽ giúp cây cam phục hồi, bổ sung đủ chất dinh dưỡng cho mùa quả tiếp theo bảo đảm năng suất, sản lượng, chất lượng cao.

Mặc dù khí hậu, chất đất của thị trấn rất phù hợp cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cam nhưng anh Đoàn cho rằng: “Yếu tố chăm sóc cây cam của con người vẫn là hết sức quan trọng và mang tính chất quyết định đến năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế”.

Anh Đoàn lấy ví dụ cụ thể như đối với cây cam chanh, Đường canh, V2 chín muộn thì nhất định phải có tác động của con người. Đặc biệt, người chăm sóc cần lưu ý việc khoanh gốc cho cây cam. Khi cây cam bắt đầu đậu quả non, cây thải nước thì phải ngăn nước lại với tác dụng giữ quả đồng thời phải phun thêm thuốc giúp đậu hoa, đậu quả. Khoanh gốc cho cây cam sẽ tiến hành khoanh mỗi gốc một khoanh, nếu trời mưa nhiều thì cần khoanh thêm một khoanh nữa.

Anh Đoàn khẳng định chắc chắn gia đình hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo quản đối với cam quả. Cuối năm, không khí lạnh nên cây cam cũng ít có sâu bệnh, không phải sử dụng thuốc. Quá trình xuất bán cam, gia đình anh tuân thủ đúng thời gian cách ly nếu như có phải sử dụng một loại thuốc nào đó. Anh Đoàn cho biết: “Bán được nhiều cam thì mừng lắm rồi nhưng làm sao giữ được chất lượng, uy tín lâu bền cho sản phẩm thật sự còn quan trọng hơn nữa”.

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Từ cây quế trung bình hàng năm gia đình ông Hoàng Văn On thu nhập trên 800 triệu đồng.

Nói đến ông Hoàng Văn On, người dân tộc Dao ở thôn Bản Tát, xã Châu Quê Hạ, huyện Văn Yên ai nấy đều nể phục tấm gương sản xuất giỏi tiêu biểu, trở thành tỷ phú từ trồng quế nhiều năm qua. Trồng quế lâu năm, nguồn thu nhập từ cây quế của gia đình ông trung bình hàng năm đạt trên 800 triệu đồng.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục