Làm giàu từ nuôi chim bồ câu

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/11/2010 | 3:07:55 PM

YBĐT - Đến xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) hỏi nhà ông Lương Văn Đông (thôn Đồng Lần) nuôi chim bồ câu thì ai cũng biết, bởi ông được xem là người đầu tiên trong xã mạnh dạn đầu tư nuôi chim bồ câu.

Ông Đông là người đầu tiên ở xã Cường Thịnh nuôi chim bồ câu.
Ông Đông là người đầu tiên ở xã Cường Thịnh nuôi chim bồ câu.

Phát triển đúng hướng, phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình, của địa phương và nhạy bén với nhu cầu của thị trường, ông Đông đã trở thành điển hình làm kinh tế giỏi của xã, được nhiều người trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm phát triển chăn nuôi trong gia đình.

Gia đình ông Đông đến với nghề nuôi chim bồ câu rất tình cờ, đó là khi con trai ông thấy có nhà một người bạn nuôi chim bồ câu và cho hiệu quả kinh tế cao, ông thấy say luôn nghề nuôi chim bồ câu. Và ông đã tự tìm tòi kỹ thuật nuôi chim trên sách báo, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, thăm quan các mô hình đã nuôi thành công... rồi hai bố con đi mua 5 đôi chim giống về nuôi thử. Qua thời gian nuôi thử nghiệm, tìm hiểu nhu cầu của thị trường, ông Đông nhận thấy nuôi bồ câu là hướng đi mới đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Với suy nghĩ đó, ông đã quyết tâm mở rộng mô hình nuôi chim bồ câu. Đến nay, gia đình ông Đông đã có khoảng 200 cặp bồ câu sinh sản. Thật ấn tượng khi tận mắt nhìn thấy đàn bồ câu của ông sà xuống ăn thóc. Ông Đông vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc chim bồ câu: “Nuôi chim bồ câu không khó, bởi chúng rất ít bị bệnh lại dễ tính, chỉ cần làm cho chim bồ câu chỗ ở thoáng mát, sạch sẽ và đầy đủ ánh sáng là được. Về nguồn thức ăn thì rất đơn giản, một ngày chim bồ câu ăn 2 bữa, chủ yếu là thóc và ngô cùng với nguồn nước uống sạch. Không phải lo về tiêu thụ sản phẩm, vì bồ câu là thức ăn quý và bổ dưỡng nên khách hàng thường vào tận nơi đặt hàng, nhiều khi không có đủ để cung cấp ra thị trường.

Bồ câu là vật nuôi sinh trưởng và phát triển nhanh, từ khi nở cho đến khi bồ câu non ra ràng là 45 ngày, trong khoảng thời gian ấy bồ câu mẹ có thể vừa đẻ vừa nuôi con. Bình quân mỗi tháng gia đình ông Đông xuất bán 3 lứa, mỗi lứa từ 15 đến 20 cặp. Giá bán bồ câu thịt là 90.000 đồng/cặp, còn chim giống là 120.000 đồng/cặp. Sau khi trừ các chi phí thức ăn, gia đình ông Đông thu về trên 5 triệu đồng tiền lãi/tháng.

Hiệu quả nuôi chim bồ câu cao hơn nhiều so với nuôi các loại gia súc khác do chi phí đầu tư không quá cao, không phải tốn nhiều công sức để chăm sóc lại thu hồi vốn nhanh. Bên cạnh đó, diện tích để nuôi chim bồ câu không cần phải lớn. Đây là một hướng đi rất phù hợp với những hộ nông dân nghèo.

Ngoài nuôi bồ câu, gia đình ông Đông còn nuôi trên 200 con gà thả vườn, 30 con lợn thịt, nuôi thủy sản trên diện tích 0,7 ha ao kết hợp trồng rừng để tăng thêm thu nhập. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông thu lãi gần 150 triệu đồng. Mô hình nuôi chim bồ câu của ông đã trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều nông dân trong xã cũng như trong tỉnh đến thăm quan, học tập kinh nghiệm và mua con giống.

Với những người bắt đầu nuôi, ông Đông luôn hướng dẫn tận tình kỹ thuật chăm sóc, làm thế nào để chim bồ câu mang lại hiệu quả cao nhất cho người nuôi. Dự kiến, thời gian tới, gia đình ông tiếp tục mở rộng mô hình này nhằm kịp thời cung cấp đủ lượng chim bồ câu thịt ra thị trường. Cùng với đó, ông sẽ phát triển và nuôi thêm gà công nghiệp với mô hình 200 con để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Dám nghĩ, dám làm, cần mẫn trong lao động không chỉ giúp ông Lương Văn Đông làm giàu cho gia đình mà còn góp phần làm cho bộ mặt nông thôn Cường Thịnh đổi mới.

Thanh Chi

Các tin khác
Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Từ cây quế trung bình hàng năm gia đình ông Hoàng Văn On thu nhập trên 800 triệu đồng.

Nói đến ông Hoàng Văn On, người dân tộc Dao ở thôn Bản Tát, xã Châu Quê Hạ, huyện Văn Yên ai nấy đều nể phục tấm gương sản xuất giỏi tiêu biểu, trở thành tỷ phú từ trồng quế nhiều năm qua. Trồng quế lâu năm, nguồn thu nhập từ cây quế của gia đình ông trung bình hàng năm đạt trên 800 triệu đồng.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục