Yên Bái vượt khó để phát triển rừng gỗ lớn

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/4/2024 | 7:41:52 AM

YênBái - Trồng rừng gỗ lớn không chỉ thực hiện ước mong lớn về kinh tế mà còn là hướng đi có ý nghĩa lâu dài, bền vững với môi trường và hệ sinh thái. Tuy nhiên, việc trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Yên Bái vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhất định đòi hỏi phải có thêm những chính sách, hoạt động hỗ trợ, tạo động lực để nhiều hộ dân tham gia…

Người dân tham gia hưởng ứng trồng rừng gỗ lớn do Hội Nông dân tỉnh phát động trên diện tích 1,5 ha của gia đình ông Lê Mai Hiền, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình.
Người dân tham gia hưởng ứng trồng rừng gỗ lớn do Hội Nông dân tỉnh phát động trên diện tích 1,5 ha của gia đình ông Lê Mai Hiền, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình.

Với trên 433.000 ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 63%, Yên Bái là địa phương có thế mạnh về kinh tế lâm nghiệp. Những năm qua, phong trào trồng rừng trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ từ vùng thấp đến đến vùng cao. Trung bình, hằng năm, toàn tỉnh trồng mới được khoảng 15.000 ha rừng các loại, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt trên nửa triệu mét khối, đưa Yên Bái trở thành địa phương có sản lượng gỗ thuộc top đầu vùng trung du miền núi phía bắc. 

Đặc biệt, để nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, các địa phương đã áp dụng các tiến bộ khoa học trong khâu chọn giống và kỹ thuật thâm canh rừng, khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng FSC. Nhiều nông dân từ chỗ chỉ biết trồng rừng, bán "rừng non” đã quyết tâm phát triển rừng bền vững, trồng rừng gỗ lớn.


Đến xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình hỏi về nông dân Lê Mai Hiền, hầu hết người dân trong xã đều biết. Với ông Hiền, ngoài thành tích lao động sản xuất ấn tượng, được vinh danh là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2000” thì ông còn được biết đến là "vua trồng rừng”. 

Dẫn chúng tôi đi thăm những khu rừng bạt ngàn, ông Hiền kể về cơ duyên đến với nghề rừng. Trước đây, ông chủ yếu làm nghề buôn gỗ để kiếm sống. Đầu năm 2000, khi đi thu mua gỗ của người dân trong xã, gặp người dân có trang trại cần bán, ông Hiền đã vay mượn hàng trăm triệu đồng để mua trang trại của các hộ dân xung quanh. Có đất, ngày nào ông cũng đầu tắt mặt tối khi buổi sáng vào rừng trồng cây đến tận chiều tối mới về. 

Vừa trồng vừa học hỏi và đúc rút kinh nghiệm, cứ thế năm tiếp năm, ông đã biến những quả đồi lau lách thành màu xanh bạt ngàn của rừng nguyên liệu như: keo, bồ đề, bạch đàn. Ở những chân đồi thấp, ông Hiền cũng tận dụng trồng lúa, sắn theo hướng lấy ngắn nuôi dài. Các khe được ngăn đập chặn nước tạo các ao thả cá, trên đồi nuôi trâu, bò, dê, gà cải thiện đời sống. Khi cuộc sống kinh tế ổn định, ông Hiền đã nghĩ tới trồng rừng gỗ lớn. 

Ông cho biết: "Hiện, gia đình tôi sở hữu trên 70 ha rừng các loại. Vài năm trở lại đây, tôi đã chuyển sang trồng rừng gỗ lớn với các cây giống chủ yếu như: dổi, lát, vù hương, sưa, chò chỉ vì đây đều là cây lấy gỗ nhanh và cho giá trị kinh tế cao. Vừa qua, được Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại, Hội Nông dân huyện Yên Bình hỗ trợ, tôi đã trồng thêm 1,5 ha cây vù hương. Trồng rừng gỗ lớn mang lại nhiều lợi ích, tiết kiệm cây giống, giảm chi phí trồng, chăm sóc mà còn giảm sâu bệnh, hạn chế suy thoái đất và bảo vệ môi trường rừng”. 

Cũng sở hữu 7 ha rừng, gia đình ông Nghiêm Xuân Thành ở xã Bảo Ái, huyện Yên Bình cũng được xem là người tiên phong trồng rừng gỗ lớn trong xã. Với "triết lý” cây rừng càng to thì càng có giá trị, ông đã làm đủ nghề mưu sinh để nuôi rừng gỗ lớn. Khi hỏi về lợi ích rừng gỗ lớn, ông Thành phân tích bài bản: "Trồng rừng gỗ nhỏ thì chỉ dùng làm gỗ dăm hoặc nguyên liệu giấy. Giá bán mỗi mét khối được trên dưới một triệu đồng mà cứ hết 5 hoặc 6 năm là phải dốc vốn liếng để đầu tư cho chu kỳ trồng mới. Trong khi đó, trồng cây gỗ lớn để lấy gỗ xẻ phục vụ chế biến thì mình nuôi càng lâu, đường kính thân cây càng lớn càng được giá. Cây có đường kính từ 25 - 30 cm thì cứ 1 ha rừng, sản lượng gỗ đạt trên 200 m3 bán với giá trên dưới 2 triệu đồng/m3 gỗ đã bỏ túi trên dưới 400 triệu đồng, chưa kể chỉ đầu tư vốn, giống để trồng một lần nên giá trị kinh tế vừa cao hơn vừa góp phần không nhỏ bảo vệ môi trường”.


Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh thăm mô hình trồng rừng gỗ lớn tại xã Y Can, huyện Trấn Yên.  

Chia sẻ về định hướng phát triển rừng gỗ lớn ở huyện Yên Bình, ông Dương Anh Tuấn - Phó Hạt trưởng  Hạt Kiểm lâm huyện Yên Bình cho biết: "Chúng tôi đã tham mưu giúp huyện xây dựng đề án phát triển rừng gỗ lớn giai đoạn 2024 - 2025. Theo Nghị quyết  Đại hội Đảng bộ huyện Yên Bình, đến hết năm 2025, toàn huyện có trên 12.000 ha rừng gỗ lớn; trong đó, diện tích trồng mới trên 2.000 ha, diện tích chuyển hóa sang rừng gỗ lớn trên 9.000 ha. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của trồng rừng gỗ lớn, giá trị của rừng gỗ lớn gắn với bảo vệ rừng, gắn với việc chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng như chứng chỉ rừng, nâng cao năng suất, chất lượng giống cây trồng, xây dựng các mô hình trồng rừng gỗ lớn để người dân học tập…”.

Lợi ích về cả kinh tế và môi trường khi trồng rừng gỗ lớn là khá rõ; tuy nhiên, việc mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn đang đối diện với nhiều khó khăn. Qua tìm hiểu được biết, do trồng rừng gỗ lớn chu kỳ kinh doanh dài, trong khi nhiều người dân kinh tế còn khó khăn, cần quay vòng vốn nhanh để có chi phí trang trải cuộc sống. 

Ông Hoàng Hải Hưng ở thôn 1, xã Phú Thịnh cho biết: "Nhà tôi có hơn 3 ha rừng trồng keo và cũng muốn trồng rừng lâu năm mới khai thác. Tuy nhiên, nếu giữ tới 10 - 12 năm mới khai thác thì rất khó khăn để trang trải cuộc sống và xoay nguồn vốn để tái sản xuất. Bên cạnh đó, chu kỳ trồng và chăm sóc kéo dài, nguy cơ về thiên tai, sâu bệnh hại cây là rất lớn. Đơn cử như năm ngoái gần 1 ha keo 4 năm tuổi bị bão đổ khiến gia đình phải khai thác rừng non để trồng mới”. 

Cũng theo ngành chức năng, nguyên nhân phát triển rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, chưa được người dân chú trọng bởi chu kỳ khai thác dài, rủi ro lớn do phụ thuộc vào thời tiết. Diện tích rừng còn nhỏ lẻ, manh mún, nhiều loại hiện trạng trong 1 lô rừng (trồng cả keo, quế, bồ đề...), khiến việc tiếp cận với các chương trình, chính sách phát triển lâm nghiệp khó khăn. Cùng với đó, đời sống của nhiều người dân làm lâm nghiệp còn khó khăn, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào trồng rừng. Điều này, khiến người dân còn dè dặt chưa mạnh dạn trồng rừng gỗ lớn.

Với những rào cản trên, để nhân rộng những cánh rừng gỗ lớn, thời gian tới, ngành chức năng, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục có các giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả kinh tế, môi trường của rừng gỗ lớn; khuyến khích sử dụng các loại giống mới có năng suất cao, giống tiến bộ kỹ thuật cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa từ rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Rà soát lại diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh, lựa chọn những vùng đất phù hợp, ít bị ảnh hưởng của thiên tai để hình thành vùng trồng cây keo gỗ lớn. 

Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách về khuyến lâm, tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển cây gỗ lớn nhằm thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư được thuê đất, liên kết trồng rừng gỗ lớn gắn với xây dựng các nhà máy chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Giải quyết tốt những vấn đề này sẽ là đòn bẩy quan trọng để người dân vững tin trồng rừng gỗ lớn, hướng tới cấp chứng chỉ rừng thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Văn Thông

Tags Yên Bái trồng rừng gỗ lớn

Các tin khác

Tiếp tục chương trình công tác, chiều 3/5, sau khi dự sinh hoạt chi bộ tại thôn 4, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ, đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã đến thăm mô hình trồng thử nghiệm cây sâm tại bản Dào Xa, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải.

Giá vàng miếng SJC lập đỉnh mới.

Lúc 12h trưa nay (3/5), giá vàng SJC bất ngờ tăng mạnh sau khi Ngân hàng Nhà nước thông báo huỷ đấu thầu vàng miếng. Theo đó, giá vàng tiến sát mốc 86 triệu đồng/lượng, lập đỉnh lịch sử mới.

Lần thứ 3, Ngân hàng Nhà nước hủy đấu thầu vàng

Ngày 3/5, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã hủy phiên đấu thầu vàng sáng 3/5 do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Sáng nay 3-5 vào khoảng 9 giờ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC với giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 82,9 triệu đồng/lượng. Vàng SJC trên thị trường sáng vẫn neo trên 85 triệu đồng/lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục