Đây là kết quả của một nỗ lực tổng lực đầy ý chí, đồng bộ và nhân văn, được kích hoạt và dẫn dắt bởi sức mạnh tổng hợp từ các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), đặc biệt là CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).
Chính sách khai mở, dựng xây niềm tin
Chính sách - nghe có vẻ khô khan nhưng tại Yên Bái, nó đã trở thành "bàn đạp" vững chắc, nâng bước hàng vạn đồng bào thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương cho CTMTQG DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 trên 2.611 tỷ đồng không chỉ là con số. Nó đã "biến hình" thành những công trình thiết thực, kiến tạo diện mạo mới và cuộc sống tươi sáng hơn nơi rẻo cao.
Hơn ba năm (2021 - 2024), tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa gần 4.000 ngôi nhà cho các hộ nghèo, cận nghèo. Ấm cúng hơn, an toàn hơn - điều giản đơn ấy là giấc mơ cả đời của bao người Mông, Thái, Dao… nơi đây. Và kỳ diệu thay, hạ tầng giao thông - yếu tố then chốt phá bỏ sự cô lập, khai thông mạch sống - đã có những bước phát triển vượt bậc trên đất Yên Bái.
Tôi còn nhớ lời bà Bàn Thị Còi ở xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn giọng nghẹn ngào nhưng ánh mắt lấp lánh: "Khi Nhà nước kêu gọi mở rộng tuyến đường từ quốc lộ 32 lên trung tâm các xã Sùng Đô, Nậm Mười, gia đình tôi hiến hơn 1.500m đất rừng quế quý với hơn 3.500 cây quế 3 - 4 năm tuổi. Đất là của, cây là mồ hôi nhưng nghĩ đến bà con đi lại đỡ khổ, tương lai Nậm Mười bừng sáng, lòng tôi nhẹ tênh. Đường mở không chỉ tiện hơn mà còn nối dài thêm những chuyến xe chở hy vọng, thúc đẩy giao thương, mang lại cuộc sống ấm no hơn cho cả làng. Vui lắm chú ạ!”. Lời chia sẻ giản dị ấy gói trọn ý nghĩa của 72 dự án đường bộ, khoảng 130km đã được mở mới từ Chương trình.
Những "tuyến đường đổi đời" này không chỉ đưa nông sản của bà con xuống phố mà còn mang hơi thở của sự phát triển, du lịch, thị trường về tận bản. Một bước tiến vượt bậc khi toàn tỉnh đạt 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê tông và 96% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa - vượt xa mục tiêu chương trình (70%) tới 26%. Con số ấy là minh chứng đanh thép cho quyết tâm "phá băng" cô lập, kết nối vùng cao với miền xuôi.
Cùng với mạng lưới đường sá, điện sáng về bản, nước sạch về nhà không còn là chuyện xa vời. Điện lưới quốc gia đã phủ tới 99% hộ dân. Nước sinh hoạt hợp vệ sinh tiếp cận đến 93,5% các gia đình DTTS, vượt mục tiêu 3,5%. Hệ thống giáo dục, y tế cũng được củng cố vững chắc: 100% trường lớp, trạm y tế được xây dựng kiên cố, đảm bảo điều kiện học tập, khám chữa bệnh ngay tại địa phương.
Ngoài ra, Chương trình còn đầu tư 224 dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu khác như cầu, thủy lợi, chợ, công trình văn hóa, thể thao... Nhưng chính sách không chỉ dừng ở "vỏ" vật chất. Sức sống thực sự đến từ sự chuyển mình trong tư duy, nếp làm ăn của bà con, được sự hỗ trợ của Nhà nước kích hoạt, khơi thông nội lực.
Hết năm 2024, toàn tỉnh đạt 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê tông và 96% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa.
Tại thôn Làng Hua, xã Suối Bu, tôi còn nhớ nụ cười rạng rỡ của anh Vàng A Hờ khi nhận chiếc máy cày bừa mini từ Chương trình. Với gia đình thiếu đất sản xuất, đây là cơ hội quý báu để chuyển đổi nghề, nâng cao năng suất, từng bước thoát nghèo. Anh Hờ là một trong số 6.933 hộ được hỗ trợ nước phân tán cho sản xuất nông nghiệp; 1.658 hộ nhận hỗ trợ mua sắm nông cụ, chuyển đổi nghề của toàn tỉnh theo Chương trình. Bên cạnh đó, 37 dự án sinh kế, 7 mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, cùng việc giao khoán bảo vệ rừng và trồng rừng trên 65.225 ha đã thay đổi căn bản tư duy "trông chờ" sang mạnh dạn "tự lực - phát triển".
Mỗi mô hình thành công là một "bài học thực tiễn", thắp lên khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Giữa dòng chảy phát triển ấy, bản sắc văn hóa - hồn cốt của mỗi dân tộc - vẫn được nâng niu, bảo tồn. 150 đại biểu người có uy tín trong cộng đồng DTTS được tôn vinh; tổ chức 15 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể, mua sắm thiết bị hỗ trợ cho 30 đội văn nghệ, hỗ trợ 58 tủ sách cộng đồng..., góp phần gìn giữ những nét đẹp cha ông, để quá khứ và hiện tại hòa quyện, tạo nên một Yên Bái độc đáo, giàu bản sắc.
Giảm nghèo - những câu chuyện vượt số phận
Tại Yên Bái, giảm nghèo không đơn thuần là một "chiến dịch" mà là hành trình đồng hành, kiên trì, bền bỉ và thấm đẫm tình người. Cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 18,07%. Đến hết năm 2024, con số này còn 5,68%, giảm 12,39%, bình quân giảm 4,13%/năm - cao hơn mục tiêu trung ương (3%) là 1,13%.
Đặc biệt, hai huyện từng "cực khó" là Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã chứng kiến sự thay đổi kỳ diệu. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình hai huyện giảm từ 59,09% cuối năm 2021 xuống còn 33,4% cuối năm 2024, bình quân mỗi năm giảm 8,56% - một tốc độ ấn tượng, minh chứng ý Đảng hợp lòng dân, chính sách đi vào cuộc sống. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS cũng giảm ấn tượng từ 30,36% cuối năm 2021 xuống còn 10,03% cuối năm 2024. Trong hành trình giảm nghèo đầy cảm xúc ấy, có những con người mà chính sách đã thắp lên cơ hội, xoay chuyển số phận.
Câu chuyện bà Đèo Thị Bích, người Thái ở thôn Hát 1, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu là ví dụ điển hình. Năm 2021, tiếp cận vốn vay hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), bà tập trung chăn nuôi trâu, lợn, gà, bò. Sự cần cù mang lại "quả ngọt": từ diện hộ nghèo, bà vươn lên thu nhập ổn định 40 triệu đồng mỗi năm chỉ riêng từ chăn nuôi. Thành công này giúp gia đình bà thoát nghèo bền vững, xây dựng căn nhà khang trang. Câu chuyện bà Bích là bằng chứng sống động cho hiệu quả sử dụng vốn và ý chí mạnh mẽ của người dân vùng khó.
Hay như câu chuyện anh Hảng A Dò, người Mông ở xã La Pán Tẩn, điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng của Mù Cang Chải. Trước đây, cuộc sống khó khăn chỉ trông vào nương lúa, nương ngô. Cơ hội mở ra khi anh tiếp cận vốn vay ưu đãi từ NHCSXH. Anh Dò chia sẻ: "Trước đây, khi chưa làm du lịch, gia đình mình rất khó khăn. May mắn được vay vốn từ NHCSXH đầu tư làm du lịch, đến nay, lượng khách ghé thăm đều đặn, nhất là mùa lúa chín. Cuộc sống khấm khá hơn với thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm".
Câu chuyện bà Bích, anh Dò và hàng ngàn hộ khác là bằng chứng sống động cho hiệu quả sử dụng vốn chính sách, trở thành "cần câu" giúp người dân khai thác tiềm năng bản địa, làm giàu trên chính quê hương. Chính sách tín dụng ưu đãi là "đòn bẩy" quan trọng: 39.363 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo vay vốn ưu đãi từ NHCSXH với tổng doanh số 2.787 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức rất thấp (dưới 0,1%) là minh chứng rõ nét cho sự chuyển mình mạnh mẽ trong ý thức làm ăn, khát vọng vươn lên.
Đặc biệt, từ 2021 đến hết 2024, đã có 18.500 hộ nghèo vay vốn NHCSXH đã thoát nghèo. Hàng ngàn lao động vùng cao được tư vấn, kết nối việc làm (2.495 người thành công), trong đó 2.140 người được hỗ trợ đào tạo nghề, 136 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, không chỉ mang lại thu nhập cao hơn mà còn là cơ hội "mở mang tầm mắt", thay đổi căn bản nhận thức và cuộc đời.
Không chỉ lo "cái ăn, cái mặc", các chương trình còn hướng tới những giá trị căn cơ: sức khỏe, giáo dục, văn hóa. 4 năm qua, hơn 1.547.520 lượt người thuộc các diện hộ nghèo, cận nghèo, DTTS... tham gia khám, chữa bệnh, 100% người thuộc diện này được hỗ trợ bảo hiểm y tế. Trẻ em được tiêm chủng đầy đủ, đến trường với cặp sách đủ đầy nhờ chính sách hỗ trợ giáo dục, giúp trên 60.350 học sinh thuộc gia đình nghèo, cận nghèo mỗi năm. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 15 tuổi giảm xuống còn 14,1%.
Từ những thay đổi nhỏ nhất nơi từng mái nhà, cánh đồng, từ ánh mắt rạng ngời của những đứa trẻ đến trường, một diện mạo mới đang dần hình thành và tỏa sáng trên các bản làng vùng cao Yên Bái. Những mô hình du lịch cộng đồng rộn rã tiếng cười du khách, sản phẩm OCOP mang hương vị núi rừng vươn ra thị trường, tổ hợp tác sản xuất phát triển mạnh mẽ giữa đại ngàn...
Yên Bái hôm nay với tỷ lệ giảm nghèo ấn tượng, với 28/28 xã và 178/191 thôn đã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Đó là bằng chứng nơi nào có chính sách đúng, sự chỉ đạo quyết liệt, nguồn lực hiệu quả và quan trọng nhất, có trái tim đồng thuận, ý chí vươn lên của người dân, nơi đó cuộc sống sẽ khởi sắc.
Hành trình vượt qua mù sương trên các bản làng vùng cao vẫn tiếp diễn - bằng ý chí của Đảng bộ, sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, chung tay cộng đồng và quan trọng nhất, là niềm tin rạng rỡ, khát vọng cháy bỏng từ trong ánh mắt mỗi người dân, Yên Bái đang viết tiếp những kỳ tích mới không chỉ bằng con số mà bằng câu chuyện về sự hồi sinh, về những giấc mơ đã thành hiện thực .
Văn Thông