Ổn định kinh tế vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng

  • Cập nhật: Chủ nhật, 4/5/2025 | 8:22:02 AM

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một số quốc gia Đông Á-Thái Bình Dương. Triển vọng tăng trưởng cao hay thấp sẽ phụ thuộc một phần vào triển vọng tăng trưởng chung, nhưng quan trọng không kém là cách các quốc gia ứng phó với những bất ổn trên toàn cầu.

Người dân mua sắm tại hệ thống siêu thị Coopmart.
Người dân mua sắm tại hệ thống siêu thị Coopmart.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương năm 2025 được công bố cuối tháng 4/2025, WB điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 xuống mức 4% so với mức dự báo tăng trưởng 5% đưa ra hồi tháng 3/2025. Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn cao hơn so với nhiều nước ở Đông Á-Thái Bình Dương nhưng cũng giảm xuống mức 5,8% so với mức tăng trưởng 6,8% được công bố trước đó.

Củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống

Trước những diễn biến mới, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, nhất là chiến tranh thương mại xảy ra diện rộng, Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu đạt mức tăng trưởng từ 8% trong năm 2025 để tạo tiền đề tăng trưởng ở mức hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

Tại Công điện số 47/CĐ-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh quan điểm nhất quán là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục làm mới, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống; phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Đây là nhiệm vụ rất thách thức vì từ trước đến nay, mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn đầu tư công chưa năm nào đạt được, trong khi tổng vốn đầu tư công năm nay lên đến 875 nghìn tỷ đồng, cao hơn so với những năm trước. Ngoài ra, quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy hiện nay sẽ có những tác động nhất định đến công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, trong ngắn hạn, động lực tăng trưởng từ xuất khẩu có thể bị suy giảm do chính sách thuế quan của Mỹ. Động lực tiêu dùng khó có thể bứt phá do thu nhập của người dân không tăng cao, làm ảnh hưởng đến sức mua. Trong bối cảnh đó, đầu tư công sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, và việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công phụ thuộc rất nhiều vào năng lực triển khai của các bộ, ngành, địa phương.

Khi các rủi ro về pháp lý được gỡ bỏ, dự án đầu tư công được khơi thông, sẽ đem lại động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng cao, cần có các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công và không lạm dụng chính sách tiền tệ để kích thích tổng cầu. Có như vậy mới hạn chế rủi ro cho nền kinh tế khi lượng tiền lớn được đưa vào lưu thông.

Tháo bỏ điểm nghẽn thể chế

Trong báo cáo đánh giá kinh tế thường niên năm 2024 được công bố mới đây, nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, để đạt mục tiêu trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045 trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng về công nghệ, kinh tế và chính trị, Việt Nam cần giải quyết đồng thời nhiều vấn đề để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian dài. Trong đó, tăng trưởng cao phải gắn với duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

"Trong ngắn hạn, Chính phủ buộc phải gia tăng nhanh tổng cầu để đạt mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, việc thúc đẩy tổng cầu trong năm 2025 cần chủ yếu dựa vào chính sách tài khóa thay vì chính sách tiền tệ để bảo đảm ổn định vĩ mô vào tài chính”, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Đại học Kinh tế quốc dân nhận định.

Bên cạnh các động lực tăng trưởng truyền thống, Đại học Kinh tế quốc dân kiến nghị cần có chính sách phát triển các động lực tăng trưởng mới, gồm động lực từ khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế số, chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn… Trong đó, kinh tế tư nhân phải được xác định là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế, cùng với đó là loạt chính sách nhanh chóng cắt giảm các rào cản đối với hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia nhập thị trường và mở rộng quy mô sản xuất. Tập trung giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn đang cản trở hoạt động của doanh nghiệp liên quan đến thể chế kinh tế, môi trường đầu tư, tạo thể chế kinh doanh bình đẳng, tôn trọng quyền tài sản của người dân và doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thế Anh, với những khó khăn được tích tụ nhiều năm sau đại dịch Covid-19, khu vực kinh tế tư nhân chưa thể bứt phá ngay trong năm 2025 nhưng đây là thời điểm cần tập trung các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển đối với khu vực kinh tế quan trọng này. Hơn bao giờ hết, doanh nghiệp cần một môi trường thể chế, môi trường kinh doanh ổn định lâu dài, duy trì qua các nhiệm kỳ để có thể yên tâm ra quyết định đầu tư dài hạn. Nếu chính sách thay đổi thường xuyên, liên tục sẽ không thu hút được đầu tư tư nhân.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới, cải cách thể chế được xác định là "chìa khóa” để phá bỏ "điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Nghiên cứu chính sách và chiến lược nhận định, nếu coi thể chế là điểm nghẽn của quá trình tăng trưởng kinh tế thì khâu tổ chức thực thi chính là nút thắt của điểm nghẽn này.

Vị chuyên gia kỳ vọng, với tinh thần đổi mới trong công tác lập pháp, Quốc hội sẽ sớm tập trung sửa đổi hệ thống pháp luật về kinh tế có tác động đến tăng trưởng cả ở phía cung và cầu để thật sự tháo gỡ được khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Với những yêu cầu cấp bách đang đặt ra, Quốc hội có thể xem xét nhập một số luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh như trước đây từng ban hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư trên cơ sở nhập một số luật liên quan. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tập trung toàn lực cho công tác xây dựng văn bản, không để xảy ra tình trạng ban hành văn bản hướng dẫn quá chậm khiến luật không đi vào cuộc sống.

Đối với nhiệm vụ cải cách môi trường kinh doanh, Tiến sĩ Đặng Đức Anh đề xuất Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ hơn, thành lập Ban chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban để có cơ chế thực thi thật sự mạnh và hiệu quả, không để các bộ tự thực hiện như cách làm từ trước đến nay.

Thúc đẩy tăng trưởng đã trở thành mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam trong bối cảnh gia tăng bất ổn trên toàn cầu. Mặc dù tăng trưởng kinh tế thế giới đã chịu tác động tiêu cực thời gian qua, nhưng Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu, chủ động các giải pháp nhằm phục hồi và tăng tốc phát triển kinh tế, nhất là sau đại dịch Covid-19.

(Theo NDO)

Các tin khác
Chuyên gia dự báo giá vàng giảm.

Sau khi đạt mức kỷ lục, giá vàng thế giới có xu hướng lao dốc, ghi nhận tuần thứ hai giảm liên tiếp. Các chuyên gia dự báo giá vàng thế giới sắp tới ra sao?

Tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn để thúc đẩy đầu tư công. Đây không chỉ giải quyết điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương mà còn tạo liên kết giữa các vùng.

Hết tháng 4, cả nước ước giải ngân vốn đầu tư công được hơn 128.000 tỷ đồng, đạt 15,56% kế hoạch. Giải ngân vốn đầu tư công là lực đẩy quan trọng để tăng trưởng kinh tế.

Cán bộ Phòng Giao dịch số 3 thuộc KBNN khu vực XIII đang rà soát chứng từ. (Ảnh minh họa)

Kho bạc Nhà nước cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách trong quá trình thực hiện thanh toán và giảm thiểu thủ tục đấu thầu, đơn vị chính thức triển khai tích hợp hợp đồng điện tử và thỏa thuận khung từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (e-GP) vào Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước kể từ ngày 5/5.

Hoạt động tại Cục Thuế Hà Nội.

Cục Thuế vừa có khuyến cáo người nộp thuế, trường hợp nếu gặp các khó khăn vướng mắc khi thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân kỳ quyết toán năm 2024 cần hỗ trợ thêm, người nộp thuế có thể liên hệ cơ quan quản lý thuế trực tiếp hoặc cơ quan thuế nơi gần nhất để được hỗ trợ tốt nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục