Quyết nghị của HĐND tỉnh không chỉ tạo hành lang pháp lý thuận lợi, mà còn được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn, khơi thông mọi nguồn lực, kiến tạo một hệ sinh thái khoa học công nghệ năng động, sẵn sàng cho những bước tiến năng động trong thời gian tới.
Trao quyền chủ động
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đã khẳng định vị thế, vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong hành trình phát triển đất nước phồn vinh, bền vững. Không chỉ vạch ra lộ trình chiến lược với những mục tiêu đầy khát vọng, Nghị quyết số 57-NQ/TW còn nhấn mạnh, yêu cầu tạo dựng một môi trường pháp lý thông thoáng, cơ chế chính sách đồng bộ, khơi dậy mọi tiềm năng và thu hút tối đa nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Nghị quyết Quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước và mua sắm hàng hóa, dịch vụ đối với nguồn kinh phí khoa học và công nghệ thuộc phạm vi quản lý của tỉnh được HĐND thông qua xác định tập trung vào việc tháo gỡ những "nút thắt” về thủ tục hành chính; đặc biệt là trong lĩnh vực mua sắm tài sản phục vụ các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Theo nghị quyết của HĐND tỉnh, thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được phân cấp một cách rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đơn vị chủ trì thực hiện. Đối với các nhiệm vụ do các tổ chức nhà nước đảm nhận (bao gồm, cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp), thủ trưởng của đơn vị chủ trì sẽ trực tiếp quyết định việc mua sắm tài sản trong phạm vi nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được phê duyệt.
Đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do các tổ chức ngoài nhà nước chủ trì, Nghị quyết cũng quy định cụ thể thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ sẽ có thẩm quyền đối với các nhiệm vụ cấp tỉnh và các nhiệm vụ sử dụng ngân sách trung ương có nguồn vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh. Trong khi đó, thủ trưởng của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở sẽ chịu trách nhiệm quyết định việc mua sắm tài sản cho các nhiệm vụ thuộc cấp quản lý của mình.
Gỡ bỏ rào cản, tạo đột phá
Không chỉ tập trung vào vấn đề mua sắm tài sản, Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Ninh còn chú trọng đến việc đơn giản hóa quy trình mua sắm hàng hóa và dịch vụ phục vụ các hoạt động khoa học, công nghệ. Theo đó, thủ trưởng của đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có quyền quyết định việc mua sắm các loại hàng hóa và dịch vụ cần thiết (nằm trong phạm vi đã được phê duyệt của nhiệm vụ khoa học và công nghệ đó).
Tương tự, đối với việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ từ nguồn dự toán kinh phí khoa học và công nghệ đã được giao, Nghị quyết cũng trao quyền quyết định cho thủ trưởng của cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách. Sự phân cấp và trao quyền này không chỉ giúp tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị trong việc quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính được phân bổ mà còn tạo ra sự linh hoạt cần thiết để họ có thể ứng phó kịp thời với những thay đổi và yêu cầu phát sinh trong quá trình triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ.
Theo đánh giá, việc trao quyền chủ động cho các đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Trong khi đó, đơn giản hóa thủ tục mua sắm hàng hóa, dịch vụ khoa học công nghệ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, tạo điều kiện cho các nhà khoa học và các tổ chức nghiên cứu tập trung vào chuyên môn. Tất cả những yếu tố này sẽ góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Quảng Ninh, tạo động lực quan trọng để tỉnh thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
(Theo NDO)