Toàn huyện Mù Cang Chải có trên 60.000ha rừng tự nhiên. Trong khi lực lượng kiểm lâm, cán bộ chuyên trách BVR còn khá mỏng nên việc phát huy vai trò của các tổ, đội quần chúng BVR tại các thôn, bản có vai trò quan trọng. Họ được ví như "cánh tay nối dài” của chính quyền địa phương và các chủ rừng trong công tác quản lý, BVR. Tại các thôn, bản, các tổ xung kích BVR được chính người dân bầu ra.
Về Mù Cang Chải hôm nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của nơi đây bởi cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, bản làng giàu đẹp. Đặc biệt, những cánh rừng xanh ngút ngàn trải dài khắp huyện như "lá phổi xanh” vừa tạo không khí trong lành và mang đến nhiều nguồn lợi cho người dân.
Giữa những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn ở Mù Cang Chải, có những con người lặng lẽ ngày đêm bám rừng, giữ rừng. Họ chính là các thành viên của tổ xung kích BVR ở cơ sở - những "lá chắn xanh” âm thầm nhưng vô cùng quan trọng trong quản lý, BVR.
Để không xảy ra cháy rừng nhất là vào thời điểm thời tiết khô hanh, các hộ dân bản Háng Cuốn Rùa, xã Dế Xu Phình cùng với Tổ xung kích BVR của bản và cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải đã tổ chức đi kiểm tra những khu vực có nguy cơ cháy rừng. Đây là hoạt động thường xuyên nhằm nâng cao ý thức BVR của người dân cũng như hạn chế những hành vi xâm hại rừng.
Bản Háng Cuốn Rùa, xã Dế Xu Phình có 95 hộ dân. Bản đang nhận khoán bảo vệ trên 395ha rừng các loại. Để thực hiện tốt việc BVR, bản đã thành lập Tổ xung kích BVR với 15 thành viên. Tổ thường xuyên phối hợp với chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải cùng nhân dân trong bản tổ chức tuần tra, kiểm tra diện tích rừng, nhất là vào thời điểm khô hanh. Qua đó, Tổ xung kích BVR của bản kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi có nguy cơ xâm hại đến rừng như chặt phá, xâm lấn rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép. Nhờ đó, diện tích rừng của bản trong nhiều năm không xảy ra cháy rừng.
Ông Lý Bùa Sang - Tổ trưởng Tổ xung kích bảo vệ rừng bản Háng Cuốn Rùa cho biết: "Tổ BVR thường xuyên tuyên truyền cho bà con nâng cao ý thức BVR. Đến cuối năm (khoảng tháng 12 dương lịch), tổ vận động nhân dân đi phát băng cản lửa. Đặc biệt, Tổ BVR yêu cầu mỗi người đi tuần tra một ngày, 15 người được 15 ngày, sau đó lặp lại như ban đầu. Thời gian thực hiện nhiệm vụ chủ yếu từ tháng 1 đến tháng 6 khi bước vào mùa mưa mới yên tâm. Ngoài ra, Tổ BVR còn tuyên truyền trẻ em và người dân không mang lửa lên rừng và không được khai thác gỗ trái phép; tập trung BVR để có nước uống và nước sản xuất, đồng thời được hưởng chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR)”.
Hiện nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải quản lý trên 54.000ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất của huyện Mù Cang Chải và hai xã Nậm Búng, Nậm Lành thuộc huyện Văn Chấn; trong đó, riêng huyện Mù Cang Chải có trên 48.000ha. Năm 2023, Ban Quản lý chi trả trên 251 triệu đồng tiền DVMTR cho 93 hộ dân.
Để bảo vệ tốt diện tích rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện đã tổ chức ký hợp đồng nhận khoán BVR với 105 chủ hợp đồng với 13.068 hộ tham gia BVR; ký cam kết PCCCR đến các thôn bản, chủ hợp đồng nhận khoán BVR; tu sửa, làm mới bảng biểu tuyên truyền, hệ thống đường ranh cản lửa, đường bao lô, bao khoảnh.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải còn phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm huyện và chính quyền địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, giải pháp thực hiện công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, PCCCR. Không chỉ tuần tra, tổ xung kích còn có mặt kịp thời khi có dấu hiệu cháy rừng, lấn chiếm đất rừng hoặc khai thác gỗ trái phép.
Với phương châm phòng là chính, công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng có chuyển biến tích cực, đã giúp giảm thiểu đáng kể số vụ vi phạm về rừng trên địa bàn. Ông Nguyễn Anh Phương - Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải cho hay, Ban phối hợp với các địa phương thực hiện tốt việc quản lý, BVR, trồng rừng thay thế, chi trả DVMTR gắn với tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng có rừng. Đồng thời, Ban phối hợp với các xã thành lập tổ xung kích để cùng với bà con nhân dân làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng. Hàng năm, Ban Quản lý thường xuyên tham mưu cho UBND các xã kiện toàn tổ xung kích thôn, bản BVR. Qua nhiều năm cho thấy, đây là lực lượng nòng cốt tham gia công tác tuần tra, tuyên truyền các hộ dân BVR. Từ việc bảo vệ, phát triển rừng đã góp phần nâng cao ý thức BVR của người dân, giúp bà con gắn bó với rừng.
Thời gian tới, huyện Mù Cang Chải tiếp tục lồng ghép các chương trình hỗ trợ về phát triển lâm nghiệp, đặc biệt là việc BVR; tiếp tục vận động các hộ dân tham gia giao khoán diện tích rừng, gắn trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong việc giữ gìn, bảo vệ diện tích rừng hiện có.
B.T