Phong trào "Cả nước chung tay xây dựng NTM” được triển khai cụ thể đến tận các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng dân cư. Trong hành trình đó, yếu tố nền tảng là sự đổi thay từ nhận thức đến hành động của mỗi người dân.
Lan tỏa xây dựng nông thôn mới
Từ năm 2011 đến nay, nhân dân trong toàn tỉnh đã đóng góp trên 4.500 tỷ đồng bằng tiền mặt, vật chất, ngày công lao động, máy móc; hiến trên 4,5 triệu mét vuông đất ở, đất ruộng, đất vườn, đất rừng và hàng triệu ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa, công trình nước sạch, điện lưới, mô hình sản xuất tập trung…
Những con số khô khan đã và đang kể những câu chuyện đẹp về tinh thần đoàn kết, sự hy sinh vì lợi ích cộng đồng và khát vọng vươn lên của người dân vùng cao Yên Bái. Điển hình như xã vùng cao Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, hơn 10 năm trước, khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM, tỷ lệ hộ nghèo rất cao, chiếm trên 81%; hệ thống giao thông chủ yếu là đường đất.
Với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, xã Nậm Khắt đã tận dụng và khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế, có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói chung và trong xây dựng NTM nói riêng. Nhờ đó, năm 2024 xã Nậm Khắt đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, trở thành xã đầu tiên của huyện Mù Cang Chải đạt chuẩn NTM, đưa huyện Mù Cang Chải ra khỏi danh sách các huyện "trắng” xã NTM của cả nước.
Giờ đây, Nậm Khắt không chỉ thay da đổi thịt về hạ tầng mà còn chuyển biến mạnh mẽ về tư duy phát triển, tạo đà cho kinh tế nông thôn bứt phá với việc triển khai xây dựng được một số dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn xã hết năm 2024 xuống còn 6,49%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 46 triệu đồng.
Linh hoạt, hiệu quả sử dụng nguồn lực
Một trong những thành công quan trọng của Yên Bái trong xây dựng NTM là việc linh hoạt huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực. Tỉnh đã chủ động xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất; đồng thời, lồng ghép, kết hợp các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ngân sách địa phương, vốn vay tín dụng và đặc biệt là huy động từ người dân và doanh nghiệp.
Đến nay, tổng nguồn lực huy động cho xây dựng NTM ở Yên Bái ước đạt hơn 20.000 tỷ đồng, trong đó, người dân và doanh nghiệp đóng góp khoảng 25%, thể hiện tinh thần trách nhiệm và niềm tin vào chương trình. Những con đường bê tông liên thôn bản, những mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, những công trình phúc lợi được hoàn thành chính là minh chứng rõ nét cho hiệu quả sử dụng nguồn lực và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Chính sách hỗ trợ sản xuất cũng được Yên Bái triển khai đồng bộ, trọng tâm là phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu nông sản địa phương.
Nhờ đó, hàng loạt sản phẩm như: quế Văn Yên, chè Suối Giàng, gạo nếp Tú Lệ, măng tre Bát độ... không chỉ khẳng định chỗ đứng trên thị trường trong nước mà còn từng bước vươn ra thế giới. Xác định rõ vai trò then chốt của kết cấu hạ tầng, tỉnh đã tập trung đầu tư đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm nhằm phá thế cô lập cho nhiều vùng khó khăn.
Nhờ đó, đến nay, 100% số xã trong tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa, hơn 85% đường trục thôn, liên thôn được bê tông hóa, hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, trên 90% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hạ tầng thông tin, truyền thông cũng được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện để người dân tiếp cận tri thức mới, chuyển đổi số nông nghiệp, quảng bá sản phẩm OCOP và kết nối thị trường.
Xây dựng NTM ở Yên Bái không chỉ dừng ở việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng hay chỉnh trang bộ mặt nông thôn mà quan trọng hơn là tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Tỉnh đã tập trung quy hoạch, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng quế Văn Yên, vùng chè Văn Chấn, vùng trồng dâu nuôi tằm, vùng tre măng Bát độ, vùng chăn nuôi đại gia súc Trạm Tấu, Mù Cang Chải.
Cùng với đó là triển khai mạnh mẽ các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, hợp tác xã kiểu mới, liên kết chuỗi giá trị. Đặc biệt, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 273 sản phẩm OCOP; trong đó, có 25 sản phẩm đạt 4 sao và 248 sản phẩm đạt 3 sao.
Thực tế cho thấy, xây dựng NTM ở Yên Bái không chỉ đạt đích đến nâng cao thu nhập mà còn đặc biệt quan tâm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo đời sống tinh thần cho người dân. Các thiết chế văn hóa thể thao được đầu tư đồng bộ, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống được gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Mô hình "Thôn bản hạnh phúc” mà Yên Bái đang triển khai là bước cụ thể hóa quan điểm phát triển con người là trung tâm, là mục tiêu và là động lực của phát triển. Thông qua các chỉ số về thu nhập, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, giáo dục, y tế, văn hóa, mô hình này từng bước lan tỏa thông điệp: xây dựng NTM không chỉ là xây nhà, làm đường mà là xây dựng những cộng đồng sống hạnh phúc, đoàn kết và văn minh.
Với tầm nhìn chiến lược, tỉnh Yên Bái đã ban hành Đề án xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến 2030 theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Đây không chỉ còn là một khẩu hiệu chính trị mà đã trở thành mục tiêu phát triển toàn diện, vừa hiện đại hóa nông thôn vừa bảo tồn thiên nhiên và văn hóa, vừa đặt con người làm trung tâm.
Giải pháp cho mục tiêu lâu dài
Xác định rõ mục tiêu: xây dựng NTM là quá trình lâu dài, không có điểm kết thúc, tỉnh chỉ đạo tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, thôn bản NTM tiêu biểu gắn với xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trong đó, chuyển đổi số trong nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn, du lịch nông thôn, nông nghiệp xanh sẽ là những hướng đi mới, phù hợp với xu thế phát triển và thế mạnh của mỗi địa phương.
Theo đó, tỉnh chú trọng tập trung đào tạo nguồn nhân lực nông thôn, nâng cao năng lực quản trị cho đội ngũ cán bộ cơ sở, phát huy vai trò của người dân trong quá trình xây dựng và giám sát chương trình, hướng tới mục tiêu xây dựng mô hình NTM xanh từ canh tác hữu cơ đến sử dụng năng lượng sạch, từ phân loại rác tại nguồn đến thiết kế cảnh quan sinh thái nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Phát huy nội lực không chỉ là giải pháp mà còn là tư duy phát triển mang tính bền vững. Với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là tinh thần chủ động, sáng tạo, đoàn kết của người dân, Yên Bái đang từng bước biến những mục tiêu xây dựng NTM thành hiện thực sống động. Những thành tựu đã đạt được là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, hướng tới một Yên Bái phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc, nơi mỗi vùng đất thực sự trở thành miền quê đáng sống.
Sau hơn một thập kỷ triển khai chương trình xây dựng NTM, đến nay, toàn tỉnh đã có 115/146 xã đạt chuẩn NTM, đạt 78,7%; 39 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 13 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; trong đó, huyện Trấn Yên đang phấn đấu trở thành huyện NTM nâng cao. Từ thành công của xây dựng NTM đã giúp Yên Bái thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 5,68%, tương đương khoảng 12.575 hộ nghèo. Tại hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm trung bình lần lượt là 6,89% và 9,45% mỗi năm.
|
Thanh Tân