Vì sự an toàn và hạnh phúc cho phụ nữ trong gia đình

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/5/2025 | 2:27:45 PM

YênBái - Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), đặc biệt là bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới thời gian qua đã được các cấp, ngành, cơ quan chức năng của tỉnh quan tâm với nhiều hoạt động cụ thể.

Hội thi tìm hiểu kiến thức về phòng chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới do Hội LHPN tỉnh tổ chức tại huyện Trạm Tấu.
Hội thi tìm hiểu kiến thức về phòng chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới do Hội LHPN tỉnh tổ chức tại huyện Trạm Tấu.


Những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh với chức năng của mình đã phối hợp với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền về giáo dục đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình; tổ chức hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật về gia đình. 

Ngành cũng phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về công tác PCBLGĐ; tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng về PCBLGĐ và phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình cho cán bộ thực hiện công tác gia đình ở các cấp; hướng dẫn nâng cao việc thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và PCBLGĐ; theo dõi, kiểm tra đôn đốc việc triển khai thi hành Luật PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh...

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) với chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ đã quan tâm đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến PCBLGĐ, đặc biệt là phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, thông qua công tác tuyên truyền, thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, các chương trình, dự án, góp phần bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi bạo lực giới…, nhất là qua triển khai thực hiện Đề án "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2017-2027. 

Bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: "Trong giai đoạn 2 (2022 - 2025) của Đề án "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em”, đã có 140.100 phụ nữ được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực giới, bạo lực gia đình sẵn sàng lên tiếng trước các hành vi bạo lực. Cùng đó, hàng năm, không để xảy ra tình trạng các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em mà Hội không lên tiếng kịp thời…”.

Các huyện, thị xã, thành phố đã duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của mô hình PCBLGĐ tại cơ sở; chỉ đạo cơ sở tăng cường công tác thu thập thông tin về gia đình và PCBLGĐ theo đúng quy định. Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt việc tiếp nhận, hỗ trợ và chăm sóc cho người bệnh là nạn nhân BLGĐ; thực hiện tư vấn về PCBLGĐ cho bệnh nhân và các cá nhân liên quan đến BLGĐ. Đặc biệt, việc xây dựng, duy trì các mô hình PCBLGĐ được đặc biệt quan tâm. 

Câu lạc bộ "Gia đình chung sức” của xã Minh An (Văn Chấn) được thành lập trong khuôn khổ Dự án "Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới” do Hội LHPN tỉnh phối hợp với Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam triển khai là một trong những mô hình hiệu quả. Câu lạc bộ đã cung cấp kiến thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực phụ nữ, trẻ em gái và các hiểu biết về kiến thức pháp luật liên quan để nâng cao nhận thức của phụ nữ về quyền của họ, giúp họ tăng sự tự tin và giúp nam giới nhận thức, biết cách chế ngự các tác nhân gây bạo lực. 

Anh Trần Quang Hợp - thành viên Câu lạc bộ "Gia đình chung sức” xã Minh An chia sẻ: "Trước đây, bản thân tôi chưa hiểu biết rõ và nhận thức đầy đủ về BLGĐ. Có những lần mâu thuẫn gia đình, không kiềm chế được cảm xúc và hành vi, tôi đã nói và tác động vật lý với vợ khiến cho gia đình bất hòa. Sau khi tham gia sinh hoạt nhóm "Đồng đẳng nam” của Câu lạc bộ, chúng tôi hiểu được rằng BLGĐ là hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời chúng tôi được học cách kiềm chế cảm xúc và nhiều kiến thức thiết thực trong xây dựng gia đình hạnh phúc. Từ đó, tôi nhận thức sâu sắc rằng những lời nói làm tổn thương vợ con, hành vi gây bạo lực là hoàn toàn sai trái. Tôi đã yêu thương và tôn trọng vợ con hơn, chia sẻ mọi công việc trong gia đình. Gia đình tôi đã hạnh phúc và hòa thuận hơn”. 

Theo số liệu từ cơ quan chức năng, năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 31 vụ BLGĐ, giảm 55 vụ so với năm 2023. Trong đó, số bị BLGĐ được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản là 22 người; số  gây BLGĐ ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự là 31 người; số  gây BLGĐ ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn là 15 người. 

Các trường hợp gây BLGĐ đều được tuyên truyền, vận động, giải thích và nhắc nhở kịp thời. Người bị BLGĐ được phát hiện, được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản là 78,5% (tăng 0,7% so với năm 2023). Người gây BLGĐ được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn là 49,5% (tăng 1,1% so với năm 2023).

Tuy nhiên, công tác PCBLGĐ vẫn còn có những khó khăn, hạn chế nhất định. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCBLGĐ ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được thường xuyên, do địa bàn đi lại khó khăn, kinh phí tuyên truyền hạn hẹp; một số vụ BLGĐ chưa được phát hiện và xử lý kịp thời hoặc người dân không khai báo nên dẫn đến khó khăn trong công tác hỗ trợ và thu thập thông tin; công tác thu thập thông tin về gia đình và PCBLGĐ chưa đầy đủ, do thiếu sự phối hợp giữa các ngành, nhất là số liệu về BLGĐ… 

Đó là những thách thức đặt ra cần các cấp, ngành, cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm, khắc phục để công tác PCBLGĐ đạt thêm nhiều kết quả tích cực.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 42 mô hình PCBLGĐ theo chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; có 3.104 mô hình hoạt động độc lập, trong đó có 511 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 792 nhóm PCBLGĐ, 1.339 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, 462 đường dây nóng. Các mô hình PCBLGĐ phát huy hiệu quả, kịp thời trong việc giảm thiểu, can thiệp, hòa giải các vụ việc BLGĐ ở cơ sở. 

Thu Hạnh

Tags Yên Bái Phòng chống bạo lực gia đình Hội Liên hiệp Phụ nữ bình đẳng giới hạnh phúc phụ nữ gia đình

Các tin khác
Các học viên tham gia lớp tập huấn.

Sáng nay, tại thị xã Nghĩa Lộ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái khai mạc Hội nghị tập huấn kỹ năng truyền thông số phục vụ quảng bá du lịch năm 2025.

Xác định tầm quan trọng của công tác tuyển sinh quân sự năm 2025, Ban tuyển sinh quân sự thành phố Yên Bái đã triển khai công tác tuyển sinh quân sự đúng thời gian quy định. Đặc biệt là làm tốt công tác tham mưu ban hành đầy đủ các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo hướng dẫn thực hiện tốt công tác tuyển sinh quân sự, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư vấn hướng nghiệp trên địa bàn.

Sau 3 năm thực hiện chuyển đổi số (CĐS), huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) đã đạt nhiều kết quả toàn diện trên cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Những kết quả tích cực này thể hiện bước tiến mạnh mẽ của huyện trong đổi mới, hiện đại hóa nền hành chính và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Ông Phùng Quang Huy - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), công tác mặt trận của tỉnh Yên Bái đã có nhiều chuyển biến rõ nét, góp phần nâng cao đời sống, phát huy sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục