Nga đưa Tổng thống Ukraine vào danh sách truy nã: Động thái mang tính biểu tượng

  • Cập nhật: Thứ hai, 6/5/2024 | 8:57:36 AM

Khẩu chiến giữa Nga và Ukraine một lần nữa bùng nổ khi Mátxcơva chính thức đưa Tổng thống Volodymyr Zelensky và một số quan chức Ukraine vào danh sách truy nã. Về động thái mới trên mặt trận pháp lý của Nga, giới quan sát quốc tế cho rằng hành động này chỉ mang tính biểu tượng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang kỳ vọng các đồng minh sẽ đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí cho Kiev.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang kỳ vọng các đồng minh sẽ đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí cho Kiev.

Truyền thông quốc tế cho hay, cơ sở dữ liệu của Bộ Nội vụ Nga đã nêu rõ: "Vladimir (Volodymyr trong tiếng Ukraine) Aleksandrovich Zelensky, sinh ngày 25-1-1978, bị truy nã theo một điều khoản của Bộ luật Hình sự", nhưng không nêu rõ điều khoản hay chi tiết thêm nào. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tốt nghiệp chuyên ngành Luật - Đại học Kinh tế quốc gia Kiev, nhưng không tham gia chính trị trước khi tuyên bố tranh cử Tổng thống Ukraine năm 2019. Ở thời điểm đó, nhà lãnh đạo này cho biết, mong muốn tham gia chính trị là để phục hồi niềm tin trong các chính trị gia, đồng thời "đưa những người chuyên nghiệp, có tài vào các vị trí quyền lực" và "thực sự muốn thay đổi tầng lớp chính trị tại Ukraine".

Hành động của Nga lập tức khơi mào một cuộc khẩu chiến. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ukraine chỉ trích động thái của Mátxcơva, trong đó cho rằng, việc bổ sung Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào danh sách truy nã chỉ nhằm "thu hút sự chú ý", đồng thời nhắc lại việc Tòa hình sự quốc tế (ICC) đang phát lệnh truy nã một số lãnh đạo của nước Nga. Liên quan tới vấn đề này, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga không phải một bên tham gia Quy chế Rome về thành lập ICC, nên không công nhận lệnh bắt giữ và coi lệnh truy nã của tổ chức này như một phần trong chiến dịch của phương Tây nhằm làm mất uy tín của Nga. Ủy ban Điều tra Nga thậm chí thông báo sẽ mở cuộc điều tra hình sự nhằm vào các thẩm phán và công tố viên của ICC, cơ quan có thể buộc tội các cá nhân về tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và diệt chủng.

Về nguyên nhân truy nã, một số ý kiến phân tích cho rằng có thể liên quan tới việc Mátxcơva nhiều lần cáo buộc Kiev sử dụng các "biện pháp khủng bố” trong xung đột. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từng cho biết, những lời đe dọa của Tổng thống Volodymyr Zelensky về việc phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự của Nga là bằng chứng cho thấy "ý định khủng bố”. Nga cũng đã phát lệnh truy nã Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, với cáo buộc có những hành động thù địch chống Nga và "xúc phạm ký ức lịch sử", liên quan tới việc phá hủy các tượng đài và công trình tưởng niệm Liên Xô. Nga hiện có luật, hình sự hóa việc "phục hồi chủ nghĩa phát xít", trong đó nêu rõ các biện pháp trừng phạt đối với hành vi "mạo phạm" công trình tưởng niệm chiến tranh.

Giới quan sát cho rằng, việc Điện Kremlin truy nã người đứng đầu Chính phủ ở Kiev là hành động mang tính biểu tượng vì ông Volodymyr Zelensky không có mặt trên lãnh thổ Nga. Nói cách khác, đây có thể coi là một sự đáp trả trên mặt trận pháp lý, vốn cũng đang nóng với hàng loạt lệnh truy nã nhằm vào lãnh đạo cao cấp hai nước. Đây cũng không phải lần đầu tiên Nga truy nã một lãnh đạo cao cấp của Ukraine liên quan tới cuộc xung đột đang diễn ra. Trước đó, người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraine - Aleksandr Litvinenko cũng bị Nga đưa vào danh sách truy nã, dù mới đảm nhận cương vị thay người tiền nhiệm Aleksey Danilov từ tháng 3-2024. Tính tới thời điểm này, còn có cựu Tổng thống Ukraine Pyotr Poroshenko và Tư lệnh lực lượng mặt đất Ukraine đương nhiệm, Tướng Oleksandr Pavlyuk, cũng nằm trong danh sách truy nã của Nga. Điện Kremlin cũng đang duy trì lệnh truy nã đối với hàng chục quan chức và nhà lập pháp từ các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tuy vậy, một số ý kiến cũng quan ngại rằng, những cuộc khẩu chiến và các hành động pháp lý lúc này có thể "đổ thêm dầu vào lửa", trong bối cảnh bạo lực trên thực địa có xu hướng gia tăng. Tối 4-5 (giờ địa phương), Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, các lực lượng Ukraine đã bắn hạ một máy bay chiến đấu SU-25 và 13 thiết bị bay không người lái "Shahed" của phía Nga; đồng thời cáo buộc Nga đã sử dụng 8 tên lửa và gần 70 quả bom dẫn đường nhằm vào các cộng đồng và vị trí trên biên giới của Ukraine ở mặt trận. Về phần mình, Nga không bình luận về tuyên bố của nhà lãnh đạo Ukraine, nhưng Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc lực lượng vũ trang Ukraine đã sử dụng một số tên lửa chiến thuật lục quân tầm xa (ATACMS) để tấn công vào Crimea và cho biết tất cả số tên lửa này đã bị phá hủy.

(Theo HNMO)

Các tin khác
Tổng thống Nga Putin trong chuyến công du tới Bắc Kinh

Tổng thống Nga Putin trong buổi họp báo nhân chuyến thăm Trung Quốc 2 ngày khẳng định Moscow sẵn sàng đàm phán nhưng không bao giờ đồng ý những điều kiện không thể chấp nhận.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở quận Fukushima của Nhật Bản.

Ngày 17/5, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) của Nhật Bản bắt đầu tiến hành đợt xả thứ 6 lượng nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển.

Hàng viện trợ nhân đạo được thả xuống Gaza.

Jordan phối hợp với Ai Cập và Đức thả 3 đợt hàng viện trợ nhân đạo nhằm hỗ trợ dân thường ở Gaza đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung nghiêm trọng do xung đột.

Ông Lawrence Wong (thứ 2, trái) tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Singapore ngày 15/5/2024.

Ông Lawrence Wong vừa chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Singapore, đồng thời công bố cải tổ nội các nước này. Trong bối cảnh Đảo quốc Sư tử đối mặt thách thức như tỷ lệ sinh giảm, chi phí sinh hoạt tăng cao, sự biến động của nền kinh tế thế giới, Chính phủ Thủ tướng Lawrence Wong được kỳ vọng sẽ chèo lái con thuyền Singapore tiếp tục vững bước trên con đường phát triển.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục