Nhớ về trận đánh đèo Din

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/4/2014 | 9:29:52 AM

YBĐT - Trong không khí hào hùng những ngày tháng 4 lịch sử và cả nước tưng bừng các hoạt động kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi trở lại đèo Din, tìm lại ký ức về trận đánh năm xưa của Đội du kích xã Đại Lịch huyện Văn Chấn (Yên Bái) - một trận đánh táo bạo, nhiều ý nghĩa và mãi mãi lưu danh người anh hùng liệt sĩ thiếu niên Hoàng Văn Thọ của quê hương Đại Lịch anh hùng.

Bia “Di tích trận đánh đèo Din”.
Bia “Di tích trận đánh đèo Din”.

Chúng tôi gặp ông Hà Văn Tích ở thôn 14, xã Đại Lịch - một trong những nhân chứng lịch sử của những ngày Đại Lịch đánh Pháp giữ làng. Ở tuổi 80, ông Tích vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn.

Ông kể, từ năm 1946, khi đang còn là thiếu niên, ông cùng với Hoàng Văn Thọ tham gia Đội thiếu niên Trung Kiên của xã. Năm 1947, địch kéo quân về vây đóng quanh địa bàn. Đội thiếu niên Trung Kiên được giao nhiệm vụ liên lạc, báo tin cho cán bộ Huyện bộ Việt Minh và Xã bộ Việt Minh. Khi có thư thì xách lồng ri, cầm cần câu cá để ngụy trang đi liên lạc.

Các ông phải thực hiện đúng “ba không” là: không biết, không nghe, không thấy để đối phó với địch. Ngày 20/7/1947 (cũng có sách ghi ngày 20/11/1947), được tin báo địch kéo quân từ đồn Đồng Bồ ra đồn Dọc, Đội du kích Đại Lịch đã quyết định chọn đèo Din là trận địa phục kích đánh địch. 3 giờ sáng hôm ấy, 30 chiến sĩ du kích và em Hoàng Văn Thọ do đồng chí Minh Lưu chỉ huy đã hành quân ra mai phục tại đèo Din.

Đến khoảng 9 giờ sáng thì địch mới tới, lực lượng có 1 trung đội do 2 tên sĩ quan Pháp chỉ huy. Lừa cho địch vào đúng trận địa phục kích, ta giật 3 quả mìn tự tạo nổ tung, súng du kích bắn vào đội hình quân địch. Bị đánh bất ngờ, địch hoang mang chạy xuống Khe Din định sang đồn Dọc nhưng bị bẫy đá sập xuống rào rào, bị hầm chông vây hãm.

Qua lời kể của các nhân chứng và sử sách ghi lại, trận đánh rất táo bạo, giáp lá cà. Sau 15 phút chiến đấu, một số quân địch bị thương kêu la inh ỏi, một tên chỉ huy Pháp trở lại bình tĩnh phản công. Thấy vậy, em Hoàng Văn Thọ đã dùng lựu đạn ném chết tên chỉ huy và chớp thời cơ xông lên cướp khẩu tiểu liên trong tay giặc. Nhưng rồi một đội quân địch đến tiếp viện, nổ súng bắn em và Hoàng Văn Thọ đã anh dũng hy sinh ở tuổi 15. Trận đánh này, ta tiêu diệt 2 tên Pháp, trong đó có tên trung úy chỉ huy, 5 lính ngụy và 11 tên khác bị thương nặng; thu 3 khẩu súng, trong đó có khẩu tiểu liên.

Cuốn “Truyền thống 50 năm đấu tranh, xây dựng và trưởng thành” của Đảng bộ và nhân dân xã Đại Lịch (1947 - 2007) đã nhận định: trận đánh tuy không lớn nhưng táo bạo và có tác động lớn lao khích lệ tinh thần chiến đấu, ủng hộ cách mạng của bộ đội, du kích và nhân dân địa phương, khẳng định khả năng độc lập chiến đấu của du kích và hiệu quả của vũ khí tự tạo.

Và cũng kể từ sau trận đánh ấy, ngọn lửa căm hờn quyết tâm đánh giặc giữ làng sục sôi hơn bao giờ hết, không chỉ trong nhân dân Đại Lịch mà ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Chi bộ và Ủy ban Kháng chiến đã phát động phong trào học tập, noi gương liệt sĩ Hoàng Văn Thọ. Lớp lớp thanh thiếu niên ở Đại Lịch đã hăng hái tình nguyện vào du kích, bộ đội để giết giặc trả thù cho người anh hùng nhỏ tuổi của quê hương.

 

Ông Hà Văn Tích nhớ về trận đánh đèo Din...

Hôm nay, trên quê hương Anh hùng liệt sĩ Hoàng Văn Thọ, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đẩy mạnh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, diện mạo nông thôn mới ngày một khởi sắc. Sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã đã đạt 8/19 tiêu chí và năm 2014 này phấn đấu đạt thêm 3 tiêu chí.

Ghi nhớ công ơn của thế hệ cha ông, trường tiểu học và trường trung học cơ sở mang tên người anh hùng liệt sĩ Hoàng Văn Thọ được xây dựng khang trang giữa trung tâm xã. Nhà bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ thiếu niên Hoàng Văn Thọ đã được xây dựng, trở thành “địa chỉ đỏ” cho các cuộc tham quan, học tập không chỉ của thầy trò các nhà trường, nhân dân trong xã mà còn của biết bao đoàn đại biểu, các đội viên, đoàn viên khắp mọi miền khi đến thăm mảnh đất này.

Còn chính tại đèo Din - nơi diễn ra trận đánh năm xưa nay thuộc Bản Din, xã Việt Hồng (Trấn Yên) đã được Đoàn trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái phối hợp cùng với xã Đại Lịch, xã Việt Hồng xây dựng bia “Di tích trận đánh đèo Din”.

Ở Bản Din, 89 hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày với thế mạnh trồng rừng kinh tế đang từng bước xóa nghèo. Tỷ lệ hộ khá, giàu hiện mới chỉ khoảng 15%, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tình trạng thất nghiệp sau đào tạo, giao thông nông thôn còn khó khăn… là những vấn đề mà cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng quan tâm giải quyết để có một Bản Din giàu mạnh trong tương lai không xa.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là điểm nhấn sau cùng của phong trào cách mạng đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Góp phần đi đến thắng lợi đó có sự kết tinh từ phong trào cách mạng, tinh thần giết giặc giữ làng ngùn ngụt lửa căm hờn ở các địa phương. Và phong trào cách mạng của quân dân, du kích xã Đại Lịch năm xưa với trận đánh đèo Din lịch sử ghi danh người anh hùng liệt sĩ thiếu niên Hoàng Văn Thọ là một phần không thể thiếu trong trang sử hào hùng của quê hương, của dân tộc.

Ngọc Tú

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục