Hồ Thác Bà - một trong những hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam, trải rộng trên địa bàn nhiều xã thuộc hai huyện Yên Bình và Lục Yên của tỉnh, là nơi tập trung hoạt động vận tải đường thủy khá sôi động, đặc biệt là vận tải hàng hóa và du lịch. Thực tế đã xảy các vụ tai nạn giao thông đường thủy mà nguyên nhân chủ yếu là do tàu thuyền chở quá tải, hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu như giông lốc, mưa lớn… gây thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến tâm lý người dân là điều không thể xem nhẹ.
Xác định rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo ATGT đường thủy, đặc biệt là trước mùa mưa bão năm nay, lực lượng CSGT Công an tỉnh đã sớm xây dựng kế hoạch hành động cụ thể và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Thượng tá Trần Trọng Sáng - Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: "Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và quán triệt tới 100% cán bộ chiến sĩ Đội CSGT đường thủy, tăng cường tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn các chủ phương tiện và thuyền trưởng tuân thủ Luật Giao thông đường thủy nội địa. Trong đó, lấy công tác tuyên truyền, hướng dẫn làm trọng tâm nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông”.
Tuyên truyền - hướng dẫn được coi là nhiệm vụ then chốt để thay đổi nhận thức và hành vi của người dân. Các chiến sĩ CSGT không chỉ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm mà còn thường xuyên xuống tận bến bãi, gặp gỡ các chủ tàu, thuyền trưởng để trực tiếp hướng dẫn về cách xử lý tình huống khi gặp thời tiết xấu, nhắc nhở việc trang bị áo phao, thiết bị cứu sinh, kiểm tra kỹ phương tiện trước khi xuất bến…
Trung tá Phùng Nguyên Ngọc - Đội trưởng Đội CSGT đường thủy chia sẻ thêm: "Hồ Thác Bà rộng, nhiều eo ngách nên công tác tuần tra, kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi luôn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho các thuyền trưởng duy trì các biện pháp an toàn trong mọi điều kiện. Qua đánh giá thực tế cho thấy, nếu khắc phục được tư tưởng chủ quan thì sẽ hạn chế tối đa các vụ tai nạn đường thủy. Bên cạnh đó, trên hồ Thác Bà có nhiều thuyền máy cỡ nhỏ, không đăng ký, đăng kiểm, ít trang bị phao cứu sinh; chủ yếu bà con dùng để di chuyển và đánh bắt tôm cá cũng là mối quan tâm lớn của chúng tôi”.
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong ý thức chấp hành luật lệ của người dân, đặc biệt là những người trực tiếp điều khiển tàu, thuyền. Nhiều chủ phương tiện chở khách, cả trên các tuyến cố định lẫn phục vụ du lịch đã đầu tư phương tiện mới, hiện đại hơn, bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn theo quy định. Họ cũng chủ động tham gia các buổi tuyên truyền, tập huấn về kỹ năng xử lý tình huống, cứu hộ cứu nạn do lực lượng chức năng tổ chức. Một số chủ tàu tại thị trấn Yên Bình - nơi có hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ nhờ lợi thế hồ Thác Bà cho biết, họ rất ý thức việc phải bảo đảm an toàn cho hành khách.
"Chỉ cần xảy ra một sự cố thôi là mất uy tín, mất khách ngay nên chúng tôi luôn kiểm tra kỹ phương tiện trước khi khởi hành, yêu cầu khách mặc áo phao và không chạy tàu nếu thời tiết xấu” - bà Nguyễn Thị Hà, một chủ tàu du lịch chia sẻ.
Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, song công tác bảo đảm ATGT đường thủy ở Yên Bái vẫn còn nhiều thách thức. Trước hết là tình trạng một số tàu thuyền hoạt động không đăng ký, không đăng kiểm, không trang bị đủ thiết bị cứu sinh theo quy định. Ngoài ra, một bộ phận người dân vẫn giữ tư tưởng chủ quan, chưa nhận thức đầy đủ về các nguy cơ tiềm ẩn trên sông nước, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết xấu.
Mặt khác, việc kiểm tra, kiểm soát phương tiện gặp khó khăn do địa hình hồ Thác Bà rộng lớn, chia cắt phức tạp. Lực lượng CSGT đường thủy dù đã nỗ lực nhưng vẫn còn thiếu phương tiện hiện đại, thiết bị hỗ trợ công tác tuần tra... Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATGT đường thủy, đặc biệt là trong mùa mưa bão sắp tới, các cấp, các ngành của tỉnh cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân; tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng cứu hộ cứu nạn, kỹ thuật điều khiển phương tiện an toàn trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Bên cạnh đó, cần đầu tư trang thiết bị hiện đại cho lực lượng CSGT đường thủy, tăng cường phương tiện tuần tra, sử dụng công nghệ để giám sát, theo dõi hoạt động của các tàu thuyền từ xa. Đồng thời, siết chặt việc đăng ký, đăng kiểm, kiểm định an toàn phương tiện; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, đặc biệt là các tàu chở quá tải, không trang bị đủ thiết bị an toàn…
Mặt khác, khuyến khích mô hình tự quản về ATGT đường thủy tại các khu dân cư ven hồ, phát huy vai trò giám sát của người dân, đồng thời tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa chính quyền, lực lượng chức năng và cộng đồng trong việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông; bởi bảo đảm ATGT đường thủy không chỉ là trách nhiệm của riêng lực lượng chức năng mà còn cần sự tham gia tích cực của mỗi người dân, đặc biệt là những người trực tiếp điều khiển phương tiện trên sông nước.
Với sự chủ động, quyết liệt từ các cấp, các ngành và sự vào cuộc mạnh mẽ của cộng đồng, Yên Bái hoàn toàn có thể hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố đáng tiếc xảy ra trong mùa mưa bão, góp phần giữ gìn sự bình yên trên những tuyến giao thông thủy.
Theo thống kê, hiện tại có 138 tàu thuyền có đăng ký, đang hoạt động trên hồ Thác Bà, chủ yếu là tàu chở hàng như cát, đá và một số tàu phục vụ chở khách du lịch. Tuy nhiên, chính sự phát triển nhanh chóng của phương tiện thủy, cùng với đặc điểm địa hình phức tạp của hồ như nhiều eo ngách, luồng lạch quanh co, cộng thêm điều kiện thời tiết khắc nghiệt vào mùa mưa bão… đã khiến cho công tác kiểm tra, kiểm soát và bảo đảm ATGT đường thủy gặp không ít khó khăn.
|
Lê Phiên