Chào mừng Hội nghị biểu dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái năm 2023

Những tấm gương tiêu biểu người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/11/2023 | 7:42:01 AM

YênBái - Cuộc sống mới đã và đang đổi thay từng ngày trên vùng cao Yên Bái. Nông thôn khởi sắc, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Thành quả đó, cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân còn có những đóng góp thầm lặng của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Xin giới thiệu 4 trong nhiều tấm gương như thế hôm nay (10/11) có mặt tại Hội nghị biểu dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái năm 2023!

Anh Giàng A Sàng trở thành tấm gương sáng ở bản Đề Chờ Chua B.
Anh Giàng A Sàng trở thành tấm gương sáng ở bản Đề Chờ Chua B.


Bản Đề Chờ Chua B có Giàng A Sàng

Bản Đề Chờ Chua B, xã Púng Luông là một trong những bản đặc biệt khó khăn của huyện Mù Cang Chải. Toàn xã có 61 hộ, 313 nhân khẩu, 100% là dân tộc Mông, trình độ dân trí không đồng đều, một số hủ tục lạc hậu chưa được xóa bỏ. Là người có uy tín trong bản, anh Giàng A Sàng luôn xác định phải cố gắng vươn lên, tích cực vận động bà con trong bản chung tay xây dựng cuộc mới no ấm, hạnh phúc.

Bằng uy tín của mình, anh Giàng A Sàng đã cùng với cán bộ thôn, xã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng Nhà nước tích cực cùng nhau thi đua lao động và phát triển sản xuất. 

Cùng với các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, mọi người phải biết nỗ lực lao động sản xuất, khắc phục khó khăn, biết cách phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, bão lũ, phòng chống rét đậm, rét hại; tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi… 

Từ một bản nghèo đói và lạc hậu, nay Đề Chờ Chua B đã có nhiều khởi sắc. Cụ thể, năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của bản là 22 triệu đồng; đến nay thu nhập bình quân đầu người là 32,7 triệu đồng/người/năm, tạo động lực cho sự ổn định và phát triển chung của địa phương. 

Thấy được vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới, anh Giàng A Sàng đã cùng với Chi ủy Chi bộ, cán bộ các đoàn thể tuyên truyền, vận động bà con nhân dân đóng góp xây dựng nhà sinh hoạt văn hoá cộng đồng, sửa chữa, cải tạo lại trường, lớp học, các trục đường liên bản được đông đảo nhân dân đồng tình tham gia. 

Kết quả, nhân dân đã đóng góp 350 ngày công lao động; có 19 hộ gia đình hiến 3.275 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn của bản, đảm bảo ô tô và xe máy đi lại thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa của nhân dân trong bản, trong vùng. 

Trong những năm qua, hưởng ứng Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết chung tay xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư”, Ban Công tác Mặt trận và các đoàn thể trong bản thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mông; bảo tồn, phát huy bản sắc, quảng bá giá trị văn hóa của dân tộc Mông theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/HU, ngày 28/4/2021 của Huyện ủy Mù Cang Chải; giữ gìn khối đại đoàn kết; không mê tín dị đoan; không theo đạo và truyền đạo trái pháp luật; không cho con cháu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; người chết không được để lâu và phải đưa vào quan tài, không được mổ nhiều trâu, bò; vận động nhân dân thực hiện tốt hương ước, quy ước của bản; vận động quần chúng tham gia xây dựng Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, không tham gia buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy và tái trồng cây thuốc phiện; không di cư tự do; vận động  nhân dân tham gia tố giác tội phạm. 

Cuộc sống mới đã và đang đổi thay từng ngày trên bản Mông Đề Chờ Chua B, xã Púng Luông. Thành quả đó là sự sâu sát trong lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và đồng bào trong thôn, trong xã, trong đó vai trò cùng những đóng góp thầm lặng của Giàng A Sàng  - người có uy tín của bản Đề Chờ Chua B.

GƯƠNG SÁNG NGÒI GIÀNG

Ông Trần Văn Nguyên, sinh năm 1954, dân tộc Cao Lan là người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thôn Ngòi Giàng, xã Bạch Hà, huyện Yên Bình. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyên cho biết: "Bản thân tôi được nhân dân trong thôn tín nhiệm bầu làm người uy tín từ năm 2018, với vai trò, trách nhiệm của mình, tôi luôn trăn trở làm sao cho nhân dân trong thôn bớt nghèo, bớt khổ”.

Ông Trần Văn Nguyên hiểu rõ, muốn vận động được bà con dân tộc trong thôn hiểu và tin thì bản thân phải gương mẫu làm trước, mọi người thấy được hiệu quả rồi sẽ học tập làm theo. Do vậy, tôi đã nghiên cứu, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của gia đình, tôi đã trồng trên 200 gốc bưởi Diễn, 2 vạn cây quế và đào 3 sào ao nuôi cá… Việc chuyển đổi đó đã từng bước đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. Ngòi Giàng là thôn có quỹ đất rộng, điều kiện đất đai phù hợp với cây chè, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc... 


Gương mẫu trong lao động, đoàn kết gắn bó mọi người, ông Trần Văn Nguyên là đầu tàu trong mọi phong trào ở thôn Ngòi Giàng, xã Bạch Hà.    

Với những kinh nghiệm hiểu biết của mình, cùng với những kiến thức được tiếp thu qua các lớp tập huấn, ông đã cùng cấp ủy Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể không ngại khổ, không ngại khó trực tiếp đến từng hộ gia đình trong thôn, xóm để tuyên truyền, vận động bà con tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, cây con giống được Nhà nước hỗ trợ qua các chương trình, dự án; đồng thời tích cực chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất để bà con trong thôn áp dụng. 

Vì vậy, nhiều hộ gia đình trong thôn đã có sự thay đổi trong phương thức sản xuất, nhiều hộ có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo và có hộ vươn lên làm giàu, điển hình như hộ ông Thôi Văn Chất, mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng, ông Trần Văn Qúy thu nhập từ cây chè và chăn nuôi 170 triệu đồng/năm... 

Cùng với đó, tôi tích cực vận động các hộ dân tham gia các mô hình, tổ hợp tác như hợp tác sản xuất chè, tổ hợp tác chăn nuôi trâu bò, chăn nuôi lợn, thực hiện các mô hình chăn nuôi theo Nghị quyết số 69 của Hội đồng nhân dân tỉnh… Từ đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã năm 2021 là 15,5%, đến năm 2023 dự kiến chỉ còn trên 6%; toàn xã đã thực hiện giảm được 132 hộ nghèo (tương đương 9,5%) so với năm 2021; riêng thôn Ngòi Giàng giảm được 35 hộ nghèo.

Bên cạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế, ông Nguyên và những người uy tín của xã cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chung tay xây dựng nông thôn mới, nhất là tích cực vận động nhân dân hiến đất mở rộng làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, sân thể thao, tham gia đóng góp ngày công tu sửa nâng cấp đường bê tông nội thôn, liên thôn, kênh mương thủy lợi và Phong trào "Thắp sáng đường quê”. 

Đặc biệt, trong năm 2023, xã Bạch Hà rất phấn khởi khi được Nhà nước đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường Bạch Hà - Yên Bình - Vũ Linh, tuyến đường chạy qua địa phận Bạch Hà là 5 km. Ngay sau khi tuyến đường được khảo sát thiết kế và tổ chức thi công, ông Nguyên đã cùng cơ sở thôn tuyên truyền, vận động dân nhân kịp thời giải tỏa hành lang không có đền bù, bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công tuyến Bạch Hà đạt kết quả tốt. 

Ngoài ra, thôn Ngòi Giàng còn xây dựng được các tổ tự quản để quản lý các công việc được giao như về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, điện thắp sáng đường quê, các tổ tự quản ngày hoạt động rất hiệu quả; xây dựng và duy trì mô hình Gia đình toàn mỹ, nhóm tiết kiệm tín dụng... 

Được tham dự Hội nghị biểu dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái năm 2023 là vinh dự lớn cũng là nguồn động lực để ông Nguyên và những người có uy tín trong huyện, trong tỉnh chung sức, đồng lòng xây dựng thôn bản ngày càng no ấm.

AN NINH TRẬT TỰ ĐẢM BẢO, THÔN BẢN MỚI YÊN VUI

Chia sẻ với chúng tôi trước giờ đi dự Hội nghị tuyên dương người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Yên Bái năm 2023, ông Hà Công Thắng, dân tộc Tày, thôn Trung Tâm, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn cho biết: "Được bà con suy tôn, được cấp trên công nhận là người có uy tín trong cộng đồng dân cư - đó là vinh dự lớn mà mỗi người như chúng tôi phải phát huy được vai trò trách nhiệm của mình. Là thành viên trong dòng họ và cộng đồng dân cư, trước hết mình phải gương mẫu trong cuộc sống, phải tích cực lao động sản xuất; tiếp đến là phải chia sẻ, động viên mọi người cùng cố gắng vươn lên; đặc biệt, phải biết cách phân minh, hòa giải mỗi khi có vướng mắc, có vụ việc phát sinh tại thôn bản”. 

Được biết, những năm qua, trên địa bàn xã Bình Thuận luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp; các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đã được triển khai sâu rộng tới nhân dân. Đời sống nhân dân được cải thiện, quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở và quy ước, hương ước khu dân cư. 


Ông Hà Công Thắng trao đổi với cán bộ Công an xã về Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nên tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ổn định; các vụ việc và tệ nạn xã hội giảm; các vụ việc mất đoàn kết, tranh chấp đất đai xảy ra đã được hòa giải kịp thời nên không có đơn thư khiếu nại vượt cấp… 

Có được kết quả ấy là nhờ các phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; sự đóng góp tích cực của những cán bộ, đảng viên và nhất là những người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số. 

Là người có uy tín trong cộng đồng, ông Hà Công Thắng luôn gương mẫu tiên phong trong mọi phong trào, nhất là trong công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương; các phong trào vận động nhân dân góp công, góp của, tham gia hiến đất, hoa màu, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, xây dựng nông thôn mới. 

Ông Thắng đã khẳng định được vai trò trong việc giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân, bảo vệ an ninh trật tự, tích cực tham gia xây dựng quy ước, hương ước của thôn bản; tham gia hòa giải thành công nhiều vụ việc xảy ra tại thôn bản; vận động nhân dân không nghe, không tin và không theo tổ chức bất hợp pháp mà pháp luật không cho phép; tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số; các hoạt động văn hóa thể thao truyền thống, các món ăn truyền thống được khôi phục như hát Then, múa Lăn đàn tính, hát Nôm, múa Dậm Thuông của người dân tộc Tày; tuyên truyền nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, các hoạt động mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang. 

Theo ông Hà Công Thắng: "Muốn quê hương no ấm, giàu mạnh, đời sống nhân dân được nâng lên, trước hết phải xây dựng được tình đoàn kết thân ái, động viên giúp đỡ lẫn nhau tích cực lao động sản xuất, kinh doanh; phải tranh thủ được nguồn lực của Nhà nước và nguồn lực trong nhân dân… 

Một yếu tố quan trọng nữa là phải đảm bảo an ninh trật tự, phòng ngừa được tội phạm và tệ nạn xã hội. Gia đình có người phạm tội thì khuynh gia bại sản; thôn xóm mà có người nghiện thì hay tệ nạn cờ bạc, trộm cắp, rất bất an, nay mất con gà, mai bị bọc trộm quế, rồi đánh cãi lẫn nhau… Thôn bản sẽ mất vui, gia đình không duy trì được hạnh phúc, mọi người đâu còn tâm trí mà làm ăn. Vì vậy, phải chăm lo công tác đảm bảo an ninh trật tự và bài trừ tệ nạn và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Bằng uy tín của mình, tôi sẽ tích cực hơn nữa, quan tâm đến lĩnh vực này trong thời gian tới”. 

"TRUNG TÂM ĐOÀN KẾT" Ở THÔN LÀNG GIÀU

Đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên đã và đang thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể với nhân dân. Ngoài việc gương mẫu còn tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn vệ sinh môi trường, Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc… Trong số đó có ông Dương Văn Giờ, sinh năm 1952, dân tộc Tày, thôn Làng Giàu, xã Khánh Thiện được biết đến như trung tâm đoàn kết của thôn.

Năm 2012, ông Giờ được nhân dân trong thôn tín nhiệm bầu chọn là người có uy tín trong đồng bào DTTS. Trân trọng sự tin tưởng của bà con cũng như cấp ủy, chính quyền, ông Giờ đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và là cầu nối vững chắc giữa nhân dân với cấp ủy Đảng, chính quyền và là trung tâm của tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư. 

Để làm được điều đó, ông Giờ luôn ý thức gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, là tấm gương sáng trong sản xuất, xóa đói giảm nghèo; đồng thời, ông cũng luôn là người mẫu mực động viên con cháu trong gia đình, dòng tộc và bà con trong thôn tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả. 

Hiện nay, gia đình ông có 3,5 ha rừng trồng, 2.600 m2 đất sản xuất lúa nước, chăn nuôi lợn, gà, vịt, ngan và ao cá...; tổng các nguồn thu nhập trong năm đạt 45 triệu đồng/người/năm. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Giờ đã tự nguyện hiến 500 m2 diện tích đất lúa làm nhà văn hóa thôn có hội trường hội họp khang trang đẹp đẽ. 

Địa bàn thôn Làng Giàu trước đây chỉ có 96 hộ, theo chủ trương của Nhà nước, năm 2019 sáp nhập 3 thôn thành 1 với số dân 200 hộ, 980 nhân khẩu, 100% dân số là dân tộc Tày, đây cũng là thôn có số dân lớn nhất của xã Khánh Thiện. 

Trước những khó khăn ban đầu của thời kỳ sau khi sáp nhập, ông Giờ đã vận dụng những kinh nghiệm hiểu biết của mình cùng Cấp ủy Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể trong thôn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đồng lòng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chung tay xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh; tuyên truyền nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, cây con giống được Nhà nước hỗ trợ qua các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia; vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao, tham gia đóng góp ngày công tu sửa nâng cấp đường bê tông nội thôn, liên thôn, kênh mương thủy lợi và Phong trào "Thắp sáng đường quê”. 

Kết quả trong công tác xây dựng nông thôn mới, ông Dương Văn Giờ cùng các đảng viên trong Chi bộ thôn vận động nhân dân hiến đất, đóng góp trên 1.000 ngày công mở rộng đường giao thông trục chính của thôn với chiều dài 1,7km; trong năm 2021, năm 2022, ông tham gia vận động nhân dân đóng góp được 283 triệu đồng, nguồn đối ứng của dân xây dựng các công trình kiên cố hóa được 3,2 km đường bê tông, 1 cầu dân sinh, 1 sân bóng chuyền, 1 sân bóng đá, 200m2  sân bê tông nhà văn hóa, 1 cổng làng văn hóa của thôn và 1,4 km đường ngõ xóm, kéo lắp đặt 182 bóng điện (tương đương 5,1 km) đường điện "Thắp sáng đường quê” của thôn; vận động nhân dân tập trung sản xuất 79,5 ha lúa nước và cây mầu các loại, chăm sóc và trồng mới 55 ha quế, trẩu, bồ đề và keo.  

Là đảng viên, ông Giờ thường xuyên tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gương mẫu trong tất cả các phong trào của địa phương, tuyên truyền các gia đình, dòng họ và nhân dân trên địa bàn từng bước ổn định cuộc sống, xóa bỏ những thủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong ma chay, cưới hỏi, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy và bảo tồn các lễ hội truyền thống, tiếng nói, các làn điệu dân ca dân vũ, các trò chơi dân gian, các ngành nghề truyền thống của dân tộc Tày. 

Ông Dương Văn Giờ tâm sự: "Là người uy tín trong cộng đồng, tôi luôn phát huy vai trò của mình, khiêm tốn, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và kiên trì vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết vì cộng đồng no ấm, quê hương giàu mạnh”. 

Lê Đình Phiên

Tags Yên Bái người có uy tín dân tộc thiểu số Hồng Ca Kiên Thành

Các tin khác
Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Từ cây quế trung bình hàng năm gia đình ông Hoàng Văn On thu nhập trên 800 triệu đồng.

Nói đến ông Hoàng Văn On, người dân tộc Dao ở thôn Bản Tát, xã Châu Quê Hạ, huyện Văn Yên ai nấy đều nể phục tấm gương sản xuất giỏi tiêu biểu, trở thành tỷ phú từ trồng quế nhiều năm qua. Trồng quế lâu năm, nguồn thu nhập từ cây quế của gia đình ông trung bình hàng năm đạt trên 800 triệu đồng.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục