Chàng trai Mông tài hoa trong nghề đan lát

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/11/2023 | 1:55:13 PM

YênBái - Những túi xách, mũ nón, đồ trang trí, bộ khay chén, móc treo chìa khóa, nón mây, lù cở đến nhẫn đeo tay, vòng tai, vòng tay, vòng cổ, mũ, quạt tay, ô, vật trang trí hoa văn, họa tiết đều đan bằng mây, tre, trúc... tinh xảo mà giá cả lại rất phải chăng. Khó ai có thể tin cái "sự đẹp "ấy làm ra bởi đôi bàn tay một chàng trai Mông…

Anh Sùng A Pủa đang đan sản phẩm nón tre.
Anh Sùng A Pủa đang đan sản phẩm nón tre.

Cách đây không lâu, tôi có dịp ghé thăm thôn Sể Sáng, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải. Tại đây, tôi được gặp đảng viên Sùng A Pủa - một chàng trai người Mông có tài đan lát và được nghe anh tâm sự về câu chuyện đời mình, chuyện tình cờ gắn bó với nghề đan lát của anh…

Sinh năm 1975 trong một gia đình người Mông nghèo khó, từ nhỏ, Sùng A Pủa đã được cha mẹ dạy bảo cách đan lát theo phòng cách truyền thống của người Mông. 

Là người con của bản, lớn lên giữa núi rừng vùng cao, tuổi thơ của Sùng A Pủa là những tháng ngày lên rừng chặt tre, nứa về làm nguyên liệu phục vụ sở thích đan lát của mình. Vốn rất thích thú với nghề đan lát, cộng thêm ý thức tìm tòi, khám phá những cái mới và luôn mong muốn học hỏi thêm nhiều kỹ thuật về đan lát, Sùng A Pủa đã tự mình tạo ra những sản phẩm đan lát rất đẹp, mang tính thẩm mỹ cao và được nhiều người yêu thích. Anh có thể đan được nhiều loại sản phẩm khác nhau, từ những vật dụng đơn giản như rổ, rá, mâm, thúng đến những sản phẩm tinh xảo như túi xách, mũ nón, đồ trang trí… 

Từ những nguyên liệu đơn giản như tre, nứa, mây, vỏ cây, anh luôn tỉ mỉ trong từng đường đan, từng chi tiết nhỏ để tạo ra những sản phẩm hoàn hảo nhất. Anh cũng có thể đan lát những sản phẩm có hình dáng và màu sắc độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Mông… 

Anh Tâm sự: "Mình chẳng biết cái nghề này nó đi theo mình từ khi nào, chỉ biết rằng mình rất thích tạo ra những sản phẩm thủ công từ tre, nứa, mây rừng… Cứ chỗ nào có hình mẫu mới, lạ là mình tìm tòi học để làm theo. Đến giờ, tính sơ sơ mình cũng đã có thể tạo ra gần 30 loại sản phẩm đan lát từ nguyên liệu thô sơ để làm hàng hóa bán cho khách du lịch”… 

Tôi đã có dịp được tận mắt chứng kiến Sùng A Pủa đan lát. Chàng trai Pủa rất chăm chỉ và tỉ mỉ. Những đường đan đều rất đều đặn và chắc chắn. Tôi đã hỏi Sùng A Pủa về bí quyết đan lát của mình, anh chỉ cười và nói rằng, chỉ cần chăm chỉ và yêu thích công việc thì sẽ làm được. Ngoài việc sản xuất các sản phẩm thủ công từ đan lát, Sùng A Pủa còn chịu khó tìm tòi, sáng tạo để đưa những họa tiết, hoa văn đặc trưng của đồng bào Mông vào sản phẩm với mong muốn gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trong những năm gần đây, du lịch của huyện Mù Cang Chải ngày càng phát triển, Sùng A Pủa đã đan lát một số mặt hàng từ cây mây, tre, trúc, thành các sản phẩm thông thường như: bộ khay chén, móc treo chìa khóa, nón mây, lù cở (chiếc gùi của người Mông)… để đem về chợ huyện bán cho khách du lịch làm quà kỷ niệm. 

Thấy các sản phẩm mình làm ra được khách du lịch ngày càng yêu thích và tiêu thụ được, anh Sùng A Pủa đã phát huy đôi bàn tay khéo léo của mình tạo ra hàng trăm sản phẩm sáng tạo với mẫu mã đa dạng để phục vụ khách du lịch như: nhẫn đeo tay bằng sợi mây, vòng tai, vòng tay, vòng cổ, mũ, quạt tay, ô, vật trang trí hoa văn, họa tiết bằng mây, tre, trúc trong các homestay trên địa bàn huyện như: chụp bóng điện, giỏ, khay ấm chén… 

Các sản phẩm đa dạng về giá cả từ 10.000đồng - 300.000 đồng/sản phẩm, đem lại thu nhập cho gia đình từ 70.000.000 đồng - 100.000.000 đồng/năm.

Chị Ngô Xuân Hà - du khách đến từ Hà Nội sau khi mua 10 chiếc móc treo chìa khóa của anh Sùng A Tủa đã chia sẻ: "Nhìn rất lạ mắt lại còn được làm thủ công từ chất liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường nên tôi mua về để làm quà tặng cho những người thân thiết. Phải công nhận người làm ra những sản phẩm này rất "có nghề”. Sản phẩm tinh xảo mà giá cả lại rất phải chăng”.

Ngoài đan lát, gia đình Sùng A Pủa còn rất tích cực lao động sản xuất. Mỗi năm anh thu hoạch 2,5 tấn thóc, 1 tấn ngô hạt và 1,2 tấn sắn  phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi, đảm bảo cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học. Hằng năm, gia đình anh đều đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. 

Nói về mơ ước phát triển nghề đan lát của mình, anh Sùng A Pủa mong muốn sẽ tiếp tục sáng tạo ra các đồ lưu niệm, các sản phẩm đa dạng phục vụ du lịch và xa hơn nữa, anh đang có ý định mở lớp hướng dẫn, dạy các cháu nhỏ trong bản cũng như bên ngoài biết đan lát để tạo ra các sản phẩm du lịch, góp sức cho sự phát triển du lịch tại địa phương trong thời gian tới.

Thiên Cầm

Tags Chàng trai Mông nghề đan lát xã Cao Phạ huyện Mù Cang Chải

Các tin khác
Anh Phạm Tuấn Anh làm việc tại xưởng nhôm kính.

Học tập và làm theo gương Bác ở đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, chàng thanh niên trẻ Phạm Tuấn Anh ở thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã quyết tâm vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Từ cây quế trung bình hàng năm gia đình ông Hoàng Văn On thu nhập trên 800 triệu đồng.

Nói đến ông Hoàng Văn On, người dân tộc Dao ở thôn Bản Tát, xã Châu Quê Hạ, huyện Văn Yên ai nấy đều nể phục tấm gương sản xuất giỏi tiêu biểu, trở thành tỷ phú từ trồng quế nhiều năm qua. Trồng quế lâu năm, nguồn thu nhập từ cây quế của gia đình ông trung bình hàng năm đạt trên 800 triệu đồng.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục