Yên Bái phát huy hiệu quả các trạm đo mưa tự động

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/5/2025 | 8:55:38 AM

YênBái - Những năm gần đây, tỉnh Yên Bái thường xuyên phải gánh chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, đặc biệt là lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Tình trạng này diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, gây ra những thiệt hại không nhỏ về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, việc lắp đặt các trạm đo mưa tự động là rất cần thiết nhằm cung cấp những thông tin chính xác lượng mưa từng khu vực, giúp cho công tác cảnh báo sớm thiên tai, từ đó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra…

Cán bộ Phòng Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra hoạt động của thiết bị đo mưa tự động.
Cán bộ Phòng Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra hoạt động của thiết bị đo mưa tự động.


Trước đây, trên địa bàn tỉnh sử dụng các điểm đo mưa thủ công (đo mưa nhân dân) với 10 điểm trên địa bàn toàn tỉnh. Do vậy, đo mưa nhân dân 6 tiếng mới cho số liệu cập nhật một lần; ngoài ra, nhiều khi còn hạn chế độ chính xác do các yếu tố nào đó khiến lượng mưa thu được không chuẩn hoặc việc cập nhật thông tin số liệu từ người dân đôi lúc không kịp thời, vì vậy, ảnh hưởng đến tính chính xác, độ kịp thời của công tác đo mưa.

Với thiết bị đo mưa tự động, dữ liệu đo mưa được truyền tự động (3G/GPRS/SMS) về hệ thống quản lý theo thời gian thực tại các điểm đặt thiết bị, bảo đảm độ chính xác, vận hành liên tục; tự động cảnh báo khi cường độ mưa lớn. Hệ thống này đã phát triển ứng dụng trên điện thoại thông minh, vì vậy không chỉ phục vụ cho cơ quan chức năng khai thác dữ liệu phục vụ chuyên môn mà còn cho phép tất cả người dân và cán bộ có nhu cầu có thể truy cập, nhận thông tin về lượng mưa trên điện thoại di động thông minh.

Hiện tại, Yên Bái có 135 trạm đo mưa đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Công tác quản lý và bảo vệ các trạm này được thực hiện trực tiếp bởi UBND các xã, phường nơi lắp đặt, theo quy định tại Quyết định 429/QĐ-UBND ngày 28/3/2028 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc Ban hành quy định quản lý, vận hành, duy trì các trạm đo mưa tự động trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Việc cung cấp dịch vụ thông tin lượng mưa tại các trạm đo mưa tự động thông qua phần mềm Vrain do Công ty Cổ phần tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (WATEC) cung cấp.



Dữ liệu đo mưa được truyền tự động và được ứng dụng trên điện thoại thông minh, vì vậy không chỉ phục vụ cho cơ quan chức năng khai thác dữ liệu phục vụ chuyên môn mà còn cho phép tất cả người dân và cán bộ có nhu cầu có thể truy cập, nhận thông tin về lượng mưa trên điện thoại di động thông minh. 

Ông Trần Anh Văn – Phó trưởng Phòng Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết "Từ khi có trạm đo mưa tự động, thông qua việc ghi nhận lượng mưa hàng ngày, các cơ quan chuyên môn đưa ra các cảnh báo sớm chính xác giúp cho chính quyền các địa phương đưa ra các phương án ứng phó kịp thời, giúp cho người dân chủ động phòng tránh lũ quét và sạt lở đất. Chẳng hạn, trong mùa mưa bão, nếu lượng mưa được ghi nhận vượt ngưỡng bình thường (100ml trong vòng một giờ đồng hồ) cơ quan chức năng có thể khuyến cáo người dân di dời hoặc có các biện pháp phòng ngừa kịp thời”.

Không chỉ dừng lại việc đưa đến thông tin cảnh báo mưa lũ, trạm đo mưa được trang bị công nghệ hiện đại, cho phép ghi nhận lượng mưa một cách chính xác. Dữ liệu này không chỉ hữu ích cho các cơ quan chức năng mà còn cho người dân trong việc lên kế hoạch sản xuất nông nghiệp, thời điểm gieo trồng, thu hoạch. Thậm chí còn giúp nông dân chủ động tránh được thiệt hại do thiên tai, người dân sẽ sớm biết có thể xảy ra mưa lớn và sẽ thu hoạch nông sản theo phương châm "xanh nhà còn hơn già đồng”.


Nhờ các dữ liệu từ các trạm đo mưa tự động truyền về, các cơ quan khí tượng thủy văn sẽ có những thông tin chuẩn xác cảnh báo cho chính quyền và nhân dân các địa phương chủ động phòng tránh các nguy cơ lũ quét, sạt lở đất... (Đồ họa: Thủy Thanh)

"Việc lắp đặt trạm đo mưa không chỉ mang lại lợi ích về mặt an toàn mà còn có ý nghĩa kinh tế lớn trong phát triển kinh tế địa phương. Do đó, việc chủ động nắm bắt dữ liệu thông tin sẽ giúp các doanh nghiệp thi công, xây lắp phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra…” – ông Trần Anh Văn cho biết thêm.

Từ khi có trạm đo mưa tự động, người dân xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải được tiếp cận với thông tin khoa học và công nghệ, từ đó nâng cao nhận thức về thiên tai và cách phòng tránh. Các buổi tập huấn, hội thảo thường xuyên được tổ chức để giúp người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc theo dõi thời tiết. Trong quá trình xây dựng và vận hành trạm đo mưa, người dân địa phương đã có cơ hội hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau. Điều này không chỉ tăng cường tình đoàn kết mà còn tạo ra một môi trường cộng đồng tích cực, hỗ trợ lẫn nhau trong những lúc khó khăn.

Mặc dù trạm đo mưa tự động mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng không tránh khỏi những khó khăn và thách thức. Trạm đo mưa cần được bảo trì thường xuyên để đảm bảo hoạt động hiệu quả. Điều này đòi hỏi nguồn lực tài chính và nhân lực. Nếu không có sự hỗ trợ liên tục, các trạm này có thể rơi vào tình trạng hư hỏng, không còn phát huy tác dụng. Việc sử dụng và bảo trì trạm đo mưa cần có đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, tại Yên Bái, việc này vẫn còn nhiều hạn chế, đòi hỏi các chương trình đào tạo cần được nâng cao hơn nữa. 

Đồng thời cần có sự đầu tư và hỗ trợ liên tục từ các cơ quan chức năng cũng như sự tham gia tích cực từ cộng đồng. Trong thời gian tới với quan điểm của các nhà khoa học việc đưa những công nghệ mới nhất, xây dựng các mô hình cụ thể từ công tác dự báo, đánh giá hiện trạng, đưa ra các giải pháp phi công trình và công trình trong công tác phòng chống thiên tai là rất cần thiết.  Ví dụ như việc phổ biến phương pháp phòng tránh trượt lở đất dựa trên kiến thức khoa học và cộng đồng (Công nghệ viễn thám, công nghệ UAV, hệ thống quan trắc hiện trường, trí tuệ nhân tạo, mô hình số mô phỏng khối trượt, hệ thống cảnh báo theo thời gian thực…), theo định hướng tại Quyết định số 1262/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam đã được phê duyệt.

Thủy Thanh

Các tin khác

Một trận mưa lớn kèm giông lốc xảy ra vào chiều ngày 5/5 đã gây thiệt hại nặng nề tại xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình. Hàng chục ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó có nhiều trường hợp tốc mái hoàn toàn, hư hỏng nghiêm trọng. Không có thiệt hại về người. Chính quyền địa phương đã nhanh chóng vào cuộc, huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.

Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà thực hiện nghiêm túc việc duy tu, bảo dưỡng đập định kỳ, thường xuyên tiến hành kiểm tra đập và khắc phục, sửa chữa khi có nguy cơ mất an toàn.

Yên Bái nằm trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Do đó, việc đảm bảo an toàn các công trình hồ đập trên địa bàn được các địa phương trong tỉnh rất coi trọng.

Trận dông lốc mạnh bất ngờ xảy ra khiến nhiều nhà dân bị tốc mái.

Do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục ở khoảng 23-26 độ Vĩ Bắc nối với vùng áp thấp phía Tây phát triển mở rộng, khiến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Yên Bái vào lúc chiều tối 5/5 có dông, lốc và mưa to cục bộ. Trong đó, tại huyện Trấn Yên dông, lốc và mưa to đã làm 1 người bị thương và 59 nhà dân bị ảnh hưởng.

Đập thủy lợi Từ Hiếu, xã Mường Lai, huyện Lục Yên là một trong những công trình thủy lợi lớn của tỉnh Yên Bái.

Để chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, tỉnh Yên Bái yêu cầu cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn trước và sau mùa mưa, lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục