Mù Cang Chải: Trường học hạnh phúc khi thầy cô thay đổi

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/12/2022 | 1:55:26 PM

YênBái - Người chơi cờ thì trầm ngâm suy nghĩ, vài ba cậu bé ngoài cờ thì lại bàn tán sôi nổi, chỉ trỏ nước đi nhưng tuyệt nhiên không đụng vào quân cờ... Bình chia sẻ: "Thầy giáo dạy cho cháu biết chơi cờ. Cháu thích lắm! Thầy bảo người xem thì không được động vào quân cờ, chỉ có người chơi mới được, đó là tôn trọng người khác..". Trường học hạnh phúc đã được nhìn theo cách hoàn toàn khác.

Màn múa dân tộc Mông trong giờ thể dục giữa giờ thu hút sự hào hứng của các em học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.
Màn múa dân tộc Mông trong giờ thể dục giữa giờ thu hút sự hào hứng của các em học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.


Giờ ra chơi, em Lờ A Bình lớp 5.2 cùng các bạn lại vào góc thư viện ngay chân cầu thang để chơi cờ vua. Người trong cờ thì trầm ngâm suy nghĩ, còn vài ba cậu bé ngoài cờ thì lại bàn tán sôi nổi, chỉ trỏ nước đi nhưng tuyệt nhiên không đụng vào quân cờ... Bình chia sẻ: "Thầy giáo dạy cho cháu biết chơi cờ. Cháu thích lắm! Thầy bảo người xem thì không được động vào quân cờ, chỉ có người chơi mới được, đó là tôn trọng người khác”. 

Còn bàn bên Trang Thị Lạng lớp 3.2 cùng mấy bạn lại sôi nổi đọc những câu chuyện cổ tích, dân gian các dân tộc. Giọng đọc vẫn còn lơ lớ nhưng khá trôi chảy... Khi được hỏi cháu có hiểu hết câu chuyện không, Lạng trả lời: "Cháu không hiểu hết nhưng cháu sẽ đi hỏi cô giáo”. 

Lễ phép, trung thực và tôn trọng nhau là điều dễ dàng nhận thấy ở học trò Trường PTDTBT Tiểu học Lao Chải, Mù Cang Chải. Nói đến trường học hạnh phúc, nhiều người nghĩ ngay đến việc đầu tư những ngôi trường hiện đại nhưng khái niệm đó lại bắt đầu từ niềm tin yêu khi mỗi em học sinh được đến trường. Tất cả những học sinh trường Lao Chải được hỏi đều trả lời rất thích tới trường. Đó chính là nhờ những thay đổi từ chính các thầy cô giáo.

Thầy giáo Đào Trọng Giáp - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Phạm trù hạnh phúc rộng và khó có thể định nghĩa. Nhưng trường học hạnh phúc là cả thầy cô và học trò đều cảm thấy hạnh phúc. Quan điểm của chúng tôi là vào trường thầy cô học sinh hài hòa, tôn trọng vui vẻ đó là hạnh phúc. Chúng tôi nỗ lực thay đổi từng ngày để cùng hạnh phúc và học trò được hạnh phúc”. 

Không nằm trong lộ trình xây dựng trường học hạnh phúc của huyện nhưng khi mô hình được thực hiện, nhà trường cũng đã nghiên cứu các hướng dẫn, cùng bàn thảo những giải pháp xây dựng trường học hạnh phúc dựa trên những điều kiện của nhà trường. 

Thầy Giáp chia sẻ thêm: "Ngày trước, Trường không có phòng chờ cho giáo viên. Chưa tới giờ lên lớp, các thầy cô không có chỗ ngồi chờ, lang thang góc này chỗ kia, cũng gây mệt mỏi cho thầy cô trước khi lên lớp, như vậy chắc chắn hiệu quả không cao. Vì vậy, nhà trường đã vận động các đơn vị tài trợ, sự ủng hộ của các thầy cô, chúng tôi làm phòng chờ cho giáo viên, làm phòng làm việc cho ban giám hiệu. Tuy chưa được khang trang như các trường vùng thấp nhưng đã tạo được sự thoải mái cho các thầy cô trước khi vào lớp. 100% cán bộ, giáo viên nhân viên nhà trường cùng được nghiên cứu các tiêu chí hướng dẫn. Rồi xây dựng kế hoạch hành động cá nhân, điều chỉnh bản thân, gần gũi học trò”. 

Khuôn viên sân trường cũng được cải tạo nhờ chính công sức của các thầy cô và sự góp sức của chính quyền, người dân địa phương. Những chậu cây, hoa nho nhỏ hay những hình vẽ trang trí lớp học cũng góp sức vào tạo không gian trường học hạnh phúc cho học trò. Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, nhà trường vận động các đơn vị tài trợ, các nhà hảo tâm xây dựng thêm phòng học, sân chơi, mua sắm thêm bàn ghế, máy tính... 

Một trong ba yếu tố quan trọng của trường học hạnh phúc đó là yêu thương. Có lẽ sự yêu thương học trò, hy sinh vì học trò của các thầy cô vùng cao không cần phải minh chứng nữa, bởi chỉ có yêu thương thì các thầy cô mới bám trường, bám bản, gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng cao trong nhiều năm như vậy. Nhưng để những học trò nhỏ cảm nhận được tình yêu thương ấy, các thầy cô đã thay đổi cách thể hiện. 

Cô giáo Hoàng Thị Thỏa - giáo viên lớp 1 chia sẻ: "Rèn nề nếp nhưng lại phải làm bạn với học trò. Phải cho các em thấy mình yêu thương, tôn trọng, các em tự khắc lắng nghe và hiểu chuyện, sai ở đâu uốn nắn luôn ở đó. Mình cũng phải lắng nghe học trò, quan tâm tới những điều mà các em thích. Chúng tôi cũng cảm nhận được bản thân mình đã thay đổi và tạo được hiệu quả giáo dục và rèn luyện học trò”.

Khi cả thầy cô coi học trò là người thân và ngược lại thì nhà trường đã thành gia đình. Các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các hoạt động bán trú được tổ chức thường xuyên tạo sự hứng khởi trong học sinh. Nhờ đó tỷ lệ chuyên cần của nhà trường luôn đạt 97% trở lên. Thầy Đào Trọng Giáp chia sẻ thêm: "Những năm gần đây, sau các đợt nghỉ hè hay nghỉ tết, các thầy cô không còn phải đi vận động học sinh ra lớp nữa”.

Để có được sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, giáo viên nhân viên, ngoài việc quán triệt nội dung xây dựng mô hình trường học hạnh phúc, nhà trường còn tổ chức các đoàn tham quan học tập kinh nghiệm tại các đơn vị nhà trường ở các địa phương trong tỉnh, ngoài tỉnh. Nhờ đó, có sự thay đổi rất lớn trong nhận thức, tư duy của các thầy cô về xây dựng trường học hạnh phúc. Nói như thầy hiệu trưởng, xây dựng trường học hạnh phúc không phải để đạt được danh hiệu mà chỉ cần thầy cô và học trò đến trường đều vui thì Trường PTDTBT Tiểu học Lao Chải là trường học hạnh phúc.

Thanh Ba

Tags Mù Cang Chải trường học hạnh phúc

Các tin khác
Lãnh đạo huyện và các nhà tài trợ tổ chức lễ khởi công điểm trường mầm non Kể Cả

Vừa qua, huyện Mù Cang Chải phối hợp với đoàn thiện nguyện Giải bóng đá C.I.A, nhà tài trợ kim cương của Giải, các doanh nghiệp kiến trúc – xây dựng, nội thất Hà Nội, Quỹ Trò nghèo vùng cao, các nhà tài trợ, các doanh nghiệp đồng hành đã tổ chức khởi công điểm trường mầm non Kể Cả, xã Chế Tạo, xã xa nhất của huyện.

Đại diện Quỹ Hy vọng, Sanofi Việt Nam và địa phương khởi công dự án tại huyện Tam Đường.

Các công trình vừa khởi công nằm trong dự án Vệ sinh học đường tại 20 điểm trường ở hai huyện vùng cao, do Sanofi Việt Nam tài trợ.

Tối 17/5, tỉnh Yên Bái long trọng tổ chức Lễ tuyên dương, khen thưởng giáo viên, học sinh có thành tích xuất sắc năm học 2023 - 2024.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu quy định giá tối đa sách giáo khoa để thực hiện từ ngày 1/7/2024.

Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD&ĐT) vừa có chỉ đạo về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đối với năm học mới 2024 -2025. Trong đó thông tin, đơn vị đang phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu quy định giá tối đa sách giáo khoa để thực hiện từ ngày 1/7/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục