Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26/12)

Tiền đề cho cuộc sống hạnh phúc

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/12/2023 | 1:58:58 PM

YênBái - Với nhiều lợi ích thiết thực, ngày nay, các bạn trẻ tham gia tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân đang ngày một phổ biến. Đây là một trong những hình thức sàng lọc đầu tiên, là tiền đề quan trọng giúp tạo dựng một cuộc sống gia đình bền vững, hạnh phúc và góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Một buổi tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải.
Một buổi tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải.

Đỗ Như Yến ở phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái đang chuẩn bị kết hôn. Tuy bộn bề lo toan nhưng Yến đã chủ động cùng bạn trai tham gia tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân. Yến chia sẻ: "Tôi cho rằng, việc làm này rất cần thiết. Ngoài chuẩn bị kiến thức, tâm lý cho cuộc sống mới, chúng tôi còn được khám sức khỏe tổng thể và khám sức khỏe sinh sản, khai thác tiền sử gia đình, tiền sử bệnh lý của bản thân, để đánh giá khả năng mang gen di truyền bệnh lý và có thể ảnh hưởng tới con cái sau này hay không. Trước đó, khi còn đi học, tôi cũng đã tiêm vắc-xin HPV và sàng lọc ung thư cổ tử cung để tự bảo vệ mình”. 

Không chỉ ở thành phố, nhiều bạn trẻ ở các huyện vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã quan tâm đến vấn đề này. Bạn trẻ Sùng A Chinh ở xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải chia sẻ: "Trước đây, em cho rằng, việc tham gia tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân là không cần thiết vì bản thân mình khỏe mạnh, chẳng đau ốm gì mà phải thăm khám. Song khi được cán bộ dân số tuyên truyền, em hiểu được những lợi ích thiết thực mang lại cho bản thân, cho cuộc sống hôn nhân gia đình nên đã quyết định đưa bạn gái đến trung tâm y tế huyện để được tư vấn và thăm khám. Rất may mà sức khỏe 2 đứa em đều tốt. Chúng em cũng được cung cấp thêm kiến thức, sẵn sàng tâm lý để bước vào cuộc sống hôn nhân lành mạnh, an toàn”. 

Hiện nay, khám sức khỏe tiền hôn nhân thường bao gồm khám lâm sàng tổng quát; các xét nghiệm về nhóm máu, bệnh lý về máu, chức năng gan thận, viêm gan vi-rút, các bệnh lây qua đường tình dục; siêu âm ổ bụng...; phát hiện bệnh tiền sử, xét nghiệm tìm bệnh di truyền, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp hoặc tư vấn phương án tiêm ngừa cần thiết nhằm hạn chế tình trạng vô sinh, hiếm muộn.

Bà Hà Thị Mộng Hoài - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết: "Việc tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân là một trong những nội dung thuộc Dự án 7 - Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi năm 2023. Theo đó, đồng bào dân tộc thiểu số hoặc người Kinh là hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở 24 xã ở khu vực III (gồm 4 xã ở huyện Lục Yên, 7 xã ở huyện Mù Cang Chải, 5 xã huyện Trạm Tấu, 5 xã huyện Văn Chấn, 3 xã huyện Văn Yên) sẽ được cung cấp miễn phí dịch vụ này. Các bạn trẻ có thể đến các trung tâm y tế tuyến huyện trở lên để thực hiện và nên thực hiện trước khi kết hôn 6 tháng”. 

Có thể thấy, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân đang được nhiều bạn trẻ quan tâm thực hiện. Để có được kết quả này, từ nhiều năm nay, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã thành lập và nhân rộng 72 câu lạc bộ tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố với 2.473 thành viên. Hoạt động của các câu lạc bộ đã giúp thành viên có những kiến thức cơ bản, có suy nghĩ đúng, nhận thức rõ hơn về lợi ích của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), lựa chọn cách tốt nhất để bảo vệ bản thân. Đây cũng là nơi cho trẻ vị thành niên trao đổi, cùng chia sẻ những vấn đề liên quan đến tâm sinh lý bản thân. 

Đặc biệt, các bạn trẻ tham gia câu lạc bộ còn được đào tạo trở thành tuyên truyền viên trong lĩnh vực CSSKSS vị thành niên và kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên trong cộng đồng. 

Ngoài ra, Chi cục còn tổ chức 54 buổi hội thảo nói chuyện chuyên đề, 721 buổi tuyên truyền lồng ghép, nói chuyện chuyên đề về CSSKSS, kiến thức cơ bản về luật pháp liên quan đến hôn nhân, gia đình, kỹ năng sống; tổ chức 50 buổi sinh hoạt ngoại khóa tại các điểm trường THPT, THCS; cung cấp tờ rơi, tuyên truyền gần 1.000 lượt trên các phương tiện loa truyền thanh của huyện, xã… 

Nhờ đó, năm 2023, tỷ lệ cặp nam, nữ kết hôn được tư vấn, khám sức khỏe chiếm 64,7% tổng số cặp kết hôn (bằng 2.973 cặp), tăng 5,7% so với năm 2022 và đạt 101,1% so với kế hoạch. 

Hoài Anh

Tags Dân số Yên Bái hạnh phúc sức khỏe tiền hôn nhân

Các tin khác
Nhân dân xã Minh Tiến đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hoá tập trung.

Là huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh với phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) của Lục Yên những năm qua đã đạt được nhiều kết quả thiết thực với nhiều cách làm hay.

Tuyến đường liên xã Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến (Lục Yên) được nâng cấp giúp các địa phương trên tuyến nâng cao chất lượng tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM.

Theo bộ tiêu chí mới về nông thôn mới (NTM) cấp xã giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái có 89/150 xã hoàn thành 19 tiêu chí, đạt 59,33%.

Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Hồng Tiến, xã Y Can (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng dâu, nuôi tằm đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Y Can, huyện Trấn Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Cán bộ và nhân dân xã Minh Bảo tham gia trồng cây xanh, tạo cảnh quan dọc tuyến đường thôn Trực Bình.

Người dân thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã đoàn kết, cùng chung sức xây dựng mô hình Khu dân cư “Xanh - Hạnh phúc” để tạo điểm nhấn và “nâng chất” các tiêu chí NTM, đảm bảo cuộc sống của người dân ngày càng phồn thịnh, ấm no, hạnh phúc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục